|
|||
Đây là nội dung nghị định 34 vừa được Thủ tướng ký ban hành. So với nghị định 176 trước đây, hầu hết mức phạt đều cao hơn nhằm tăng tính răn đe.
Người đi xe máy bị phạt đến 200.000 đồng nếu chở thêm 2 người, trừ trường hợp chở người bệnh cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật. Mức phạt này đã tăng gấp đôi so với quy định trước đây và độ tuổi trẻ em được chở kèm trước kia là từ 7 tuổi trở xuống, nay là 14 tuổi trở xuống. Người điều khiển ôtô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt 600.000-800.000 đồng, trong khi mức phạt trước đây chỉ 200.000–400.000 đồng. Người lái ôtô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, quay đầu xe tại nơi cấm, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, bấm còi, rú ga liên tục hoặc bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị... sẽ bị phạt tới 500.000, cao hơn 2,5 lần so với mức phạt cũ. Tại các đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP HCM) mức phạt đối với một số hành vi sẽ tăng 40-200% so với mức chung của cả nước. Cụ thể, người đi xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều vào đường một chiều bị phạt 300.000- 500.000 đồng (mức chung 100.000-200.000 đồng) và tước giấy phép lái xe 30 ngày. Đối với ôtô, các hành vi dừng đỗ, quay đầu xe không đúng quy định bị phạt 600.000-1 triệu đồng (tăng gấp đôi so với mức chung). Hành vi vượt đèn đỏ, lái ôtô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt 1-1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000-800.000 đồng). Hành vi đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt 1-1,4 triệu đồng (mức chung là 600.000-800.000 đồng)... Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, mức phạt mới với Hà Nội và TP HCM sẽ được thực hiện thí điểm trong 36 tháng. Sau khi kết thúc thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, UBND Hà Nội, TP HCM sẽ tổng hợp, đánh giá và đề xuất Chính phủ chủ trương thực hiện tiếp theo. Nghị định có hiệu lực từ 20/5. Vnexpress |