Bản in
Cháy xe: Phụ gia trong xăng là “nghi can” số 1
Hầu hết các nhà khoa học đều xoáy vào vấn đề các chất phụ gia pha trong xăng như methanol, etanol và aceton… có thể là nguyên nhân gây hiện tượng cháy xe nhiều trong thời gian qua tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành trong cả nước.

Tắc đường cũng bị nghi ngờ là nguyên nhân

Tại Hội thảo trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh, do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức ngày 10-2, Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2011 đến 10-2 trên địa bàn xảy ra 22 vụ cháy xe máy và 50 vụ cháy ô tô.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), chỉ riêng trong năm 2011, cả nước xảy ra gần 240 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy. Chỉ gần một tháng qua, đã có hàng chục vụ cháy nổ ô tô, xe máy trên khắp cả nước.

Chị Vân, chủ chiếc xe Air Blade mang BKS 30K-5333 vừa bị cháy ngày 27-10 năm ngoái kể lại, xe của chị đã bốc cháy ngay lúc anh Minh, chồng chị đang đi trên đường đưa con đi học. Người đi đường nhìn thấy chiếc xe bốc lửa đã hô hoán, anh ôm con, quẳng xe ra đường. Khi dập được lửa thì chiếc xe chỉ còn lại khung sắt. Vợ chồng chị mua chiếc xe này được hai năm, đến kỳ lại đưa xe đi bảo hành, bảo dưỡng tại hãng, xăng cũng mua tại các cửa hàng lớn. Đến nay, nguyên nhân cháy chiếc xe này vẫn đang là bí ẩn.

Các nhà khoa học tham gia hội thảo thuộc các lĩnh vực hóa học, cơ khí, môi trường… đều đã có những nghiên cứu sơ bộ về nguyên nhân cháy xe, tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào toàn diện nào.

Theo báo cáo bước đầu của các nhà nghiên cứu tại Viện cơ khí động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội, có bốn nguyên nhân chính gây cháy xe là: chất lượng xăng dầu, chất lượng phụ tùng, chế độ bảo trì không phù hợp và điều kiện vận hành.

Theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, ĐH Bách khoa, một trong các nguyên nhân làm cháy xe là tắc đường. Lúc này điều kiện vận hành khắc nghiệt do thời tiết nóng ẩm, tắc đường... dẫn đến việc làm lão hóa nhanh các hệ thống, thiết bị phụ trợ của xe. Trong khi đó, các thiết kế, bố trí của một số phương tiện chưa lường được các điều kiện này.

Nhưng chất lượng xăng vẫn là “nghi can” chính

Một cuộc thực nghiệm xác định nhiệt độ động cơ dùng xăng pha methanol đã được Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng Hà Nội thực hiện nhằm tìm ra nguyên nhân cháy xe. Chiếc xe Dream cũ được để ở chế độ không tải với xăng pha chế 15% methanol. Kết quả, với loại xăng này, xe chạy ở chế độ không tải gây phát nhiệt tăng khoảng 10% so với dùng xăng thường. Từ đó, Sở KH-CN Hà Nội cho rằng, cần nghĩ nhiều tới việc xăng không đạt chất lượng là nguyên nhân gây cháy xe.

Theo PGS, TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an, metanol là chất phản ứng mạnh, dễ cháy. Nó hòa tan tốt trong xăng. Việc rò rỉ do ống nhiên liệu, gioăng cao su nhiên liệu như đồng, kẽm, nhôm… bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15% trở lên. 12 hãng ô tô lớn trên thế giới đã khuyến cáo không được dùng phụ gia metanol hay etanol pha vào xăng do tính chất ăn mòn đối với cao su, polyme tổng hợp.

Chất lượng xăng cũng khiến các nhà quản lý đau đầu. Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH-CN cho rằng, đến nay, chúng ta vẫn chưa dẹp bỏ được việc bán xăng chai ở vỉa hè. Ngoài việc đo thiếu về dung lượng, thì chất lượng xăng vỉa hè cũng khó kiểm soát. “Chúng ta không thể biết họ pha những gì vào xăng. Nhưng có cầu thì mới có cung, vì thói quen mua xăng vỉa hè của người Việt Nam vẫn còn nên nạn này chưa dẹp bỏ được”, ông Dũng nói.

Đồng tình với việc phụ gia pha trong xăng là là nghi can cần đưa ra nghiên cứu thực nghiệm kỹ hơn cũng là ý kiến của ông Vũ Thường Bồi, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hàng không Việt Nam, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, ông Mai Đức Thắng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hóa học Hà Nội…

Tuy nhiên, việc “kết tội” cho xăng đã bị ông Lê Cảnh Hòa, trưởng tiểu ban tiêu chuẩn nhiên liêu bôi trơn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phản đối. Ông Hòa cho rằng không thể nói nguyên nhân cháy xe máy và ô tô trong thời gian gần đây là do nhiên liêu được. Giờ chúng ta đã hòa nhập với quốc tế, mọi tiêu chuẩn về nhiên liệu cũng theo chuẩn quốc tế, nên những tiêu chuẩn của chúng ta không có gì khác nước ngoài, cần gì phải lãng phí vào những cuộc thử nghiệm tìm nguyên nhân cháy xe?!

Để chậm ngày nào, gây hoang mang ngày đó

Cần ráo riết “truy lùng thủ phạm” cháy xe trong thời gian qua theo hướng các chất phụ gia trong xăng dầu là đề xuất của nhiều nhà khoa học tham gia hội thảo.

“Chúng ta để chậm ngày nào, dân chúng hoang mang ngày đó. Mà thế giới sẽ đánh giá kém về công nghệ của chúng ta. Khoa học chúng ta kém, hay chỉ đạo hoạt động kém?”, PGS, TS Hoàng Mạnh Hùng, người có kinh nghiệm hơn 30 năm điều tra vụ án liên quan đến cháy nổ nói.

Ông Hùng đề xuất, Sở KH-CH Hà Nội cần thành lập Ban chỉ huy đặc nhiệm khoa học để tìm hiểu về những hiện tượng nóng trong xã hội, trong đó có hiện tượng cháy xe. Đội đặc nhiệm này có quyền yêu cầu tất cả các điểm bán xăng cung cấp mẫu, nếu có vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Các thiết bị tiết kiệm xăng cũng phải đăng ký cấp phép. Và đội có nhiệm vụ tịch thu tất cả những thiết bị không rõ nguồn gốc.

Kèm theo đó, mỗi chiếc xe cháy đều phải được lập hồ sơ ghi rõ ngày mua, việc bảo hành, địa điểm mua xăng… Và trong vòng một năm phải tìm ra nguyên nhân cháy xe.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội, có hai hướng nghiên cứu tiếp theo mà Sở phối hợp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu và trường ĐH thực hiện trong thời gian tới. Nhóm thứ nhất sẽ tiếp tục thực nghiệm về phụ gia pha trong xăng để thông báo cho các đơn vị quản lý đầu mối về xăng dầu, các đại lý cũng như người tiêu dùng biết ảnh hưởng của nó. Nhóm thứ hai sẽ thí nghiệm về điều kiện phát cháy như tia lửa, nguồn phát nhiệt, co thể thí nghiệm cả những phụ kiện kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, đánh giá mức độ an toàn của hệ thống điện để có kết luận chính xác.

Ông Rao khẳng định, Sở sẽ tập hợp những nghiên cứu, ý kiến khoa học của các đại biểu tham dự hội thảo báo cáo lên Bộ, nhằm sớm triển khai những biện pháp ngăn chặn tình trạng cháy nổ xe hiện nay.