Bản in
Làm rõ nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh
Ngày 10/2, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức hội thảo “Trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện ô tô, xe máy và các biện pháp phòng tránh”.

Dự hội thảo có các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Sở KH&CN Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Sở PCCC Hà Nội, Viện Hóa học công nghiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam ...

Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết: theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (Bộ Công an), từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 1 năm 2011 trên toàn quốc tổng số vụ cháy nổ ô tô, xe máy  là 324 vụ. Trong số này đã có 209 vụ được làm rõ nguyên nhân cháy (chiếm 64,5%).

Nguyên nhân cơ bản là do sự cố về hệ thống điện như chập điện, quá tải, đánh tia lửa điện, phóng điện…  (30,25%); Do kỹ thuật, nổ lốp gắn vòng cua, bó phanh có 49 vụ (chiếm tỉ lệ 15,1%), do sơ xuất để rơm rạ, nilon, dẻ cuốn vào bô, ống xả gây cháy 32 vụ chiếm 9,5%...  Hiện còn 116 vụ chưa được làm rõ nguyên nhân.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngay sau hàng loạt vụ cháy xe liên tiếp xảy ra trên cả nước và Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm một số thí nghiệm trên xe ở chế độ không tải với xăng được pha chế 15% methanol. Kết quả, với loại xăng này, xe chạy ở chế độ không tải gây phát nhiệt 10% ở xe. Theo Sở KH&CN Hà Nội, cần nghĩ nhiều tới việc xăng không đạt chất lượng là nguyên nhân gây cháy xe.

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, thanh tra bộ đã vào cuộc ngay nhưng vẫn khó kiểm soát chất lượng xăng dầu tại các đại lí do các đầu  mối nhập xăng dầu chưa thật sự có biện pháp kiểm soát chặt chẽ khi xe bồn chở dầu từ các đầu mối đến các đại lí cũng như hệ thống bán nhỏ lẻ trên các tuyến phố. Hiện nay vẫn chưa có một chế tài hữu hiệu, đủ mạnh nhằm ngăn chặn việc bán xăng có pha tạp chất

GS.TS Lê Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu tại Viện Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa nhận định tại hội thảo về các nguyên nhân gây cháy xe do hệ thống phụ tùng có độ bền nhiệt không đáp ứng yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt; nhiên liệu có chứa các chất phụ gia không được kiểm soát hoặc dung môi như methanol, axeton... với tỷ lệ lớn dẫn tới ăn mòn, lão hóa nhanh các chi tiết là kín (cao su, nhựa, polyme...) dẫn tới rò rỉ nhiên liệu; chế độ và quy trình bảo trì, bảo dưỡng phương tiện không phù hợp, hệ thống phụ tùng kém chất lượng hoặc chưa lường trước được các điều kiện vận hành...

Bên cạnh đó nhiều nhà khoa học tại hội thảo cũng phân tích các nguyên nhân và kịch bản để dẫn đến cháy xe, từ vật liệu, kỹ thuật cơ khí, xăng đến hàng loạt các yếu tố khác song chưa chỉ đích xác đâu là nguyên nhân chính.

Vì vậy,  để giảm thiểu cháy nổ xe, một số nhà khoa học cho rằng cơ quan chức năng, nhà sản xuất phải quản lý tốt chất lượng phụ tùng xe nhất là đối với hệ thống điện; quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam; cải thiện môi trường giao thông nhằm giảm bớt tắc đường – một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ và an toàn phương tiện; quản lý và quy chuẩn hóa các trạm bảo trì, bảo dưỡng phương tiện. Bên cạnh đó, chủ phương tiện cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện định kỳ, thường xuyên để ý đến phương tiện để sớm phát hiện các hiện tượng quá nhiệt hay rò rỉ nhiên liệu...

Hiện các nhà khoa học đề nghị tiếp tục thảo luận, nghiên cứu sâu để chỉ rõ nguyên nhân chính và sớm có biện pháp tháo gỡ, ngăn chặn những hiện tượng cháy nổ .Tuy nhiên trong quá trình  đi tìm nguyên nhân chính gây ra các sự việc trên,các nhà khoa học khuyến cáo người dân nên có một chế độ bảo dưỡng xe đúng định kỳ, nhằm khắc phục lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành,không nên tự ý mua các thiết bị tiết kiệm xăng không rõ nguồn gốc,mua nhiên liệu qua các đại lý uy tín, nếu có dấu hiệu bất thường về nhiên liệu,phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền.

Ngũ Hiệp