28.8 vừa qua, tại Hà Nội, Hội nghị quốc gia về sinh vật biến đổi gen và quản lý an toàn sinh học đã được tổ chức. Một hội thảo mang tên công nghệ sinh học - hướng phát triển cho tương lai do Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM (TT CNSH), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN cũng vừa tổ chức tại TPHCM (ngày 21.9), Cần Thơ (23.9), Hà Nội (24.9), Thanh Hoá (25.9).
Trên thế giới, sản phẩm biến đổi gen (SP BĐG) đầu tiên được thương mại hoá năm 1993/1994. Cây trồng BĐG được thương mại hoá trên thế giới từ 1996. Đến nay, thế giới có 23 nước chấp nhận cây trồng BĐG, năm 2007, diện tích cây trồng BĐG toàn cầu là 114,3 triệu hécta, tăng 12% so với 2006. 674 SP BĐG đã được 53 chính phủ (chủ yếu là các nước phát triển) phê chuẩn có mặt trên thị trường hiện nay; trong đó, đứng đầu là Nhật Bản (97 SP), Hoa Kỳ (81), Canada (60).
Theo Tổ chức Nông lương Thế giới: Ở các nước cây trồng BĐG đã được trồng rộng rãi, chưa có công bố nào xác nhận về sự có hại của cây trồng BĐG đối với sự nguy hiểm cho sức khoẻ con người và môi trường. Hiện, thế giới đang đối mặt với sự khan hiếm thực phẩm. Vào năm 2050, trái đất sẽ tăng gấp đôi sản lượng lượng thực. Cho đến lúc này, nhiều quốc gia đã thấy được lợi ích CNSH trong nông nghiệp mang lại như giảm giá thành thực phẩm, tăng độ an toàn của thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng,...
Các nhà khoa học của một số quốc gia phát triển thậm chí cho rằng: "Nền văn minh đã được xây dựng trên thực vật BĐG". Trong khi đó ở nước ta, theo TS Trần Mỹ Hiền - Viện Đo lường Chất lượng, khái niệm BĐG, về SP BĐG, vẫn còn tương đối mới, vẫn chưa được các doanh nghiệp, người tiêu dùng quan tâm đúng mức. Tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn là e ngại những SP BĐG.
|
Các loại cây ăn trái của VN chưa chuyển gen.
Ảnh có tính chất minh hoạ.
|
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về sự nhận thức, nỗi lo lắng về mức độ an toàn sinh học (ATSH) của SP BĐG của người tiêu dùng VN, tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình - Việt kiều Canada, PGĐ TT CNSH - cho biết: Các nước nghèo không sử dụng SP BĐG vì sự thiếu hiểu biết và tuyên truyền không đúng. Muốn đánh tan nỗi nghi ngại về SP BĐG cần sự nỗ lực hợp tác của những người làm khoa học, nghiên cứu, các phương tiện thông tin đại chúng, những người làm chính sách của Nhà nước.
Về vấn đề tiêu thụ các SP BĐG, theo TS Bình, thế giới 5-7 năm nữa, người ta sẽ dán nhãn SP BĐG nhiều hơn nữa để người tiêu dùng mua vì biết chắc chắn những SP này không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,... Quản lý các SP BĐG - cụ thể là chuyện dán nhãn sản phẩm - vấn đề quan trọng hiện nay.
Theo GS Paul Teng - ĐH Kỹ thuật Nanyang (Singapore), SP BĐG được dán nhãn nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn đối với sản phẩm. Theo TS Bình: Trong tình hình trước mắt, Việt Nam cần những cây chuyển gen là những cây sử dụng cho chăn nuôi (ngô, đậu nành, khoai mì, khoai tây) hay cây lâm nghiệp, cây làm thuốc. Chưa nên ứng dụng với những cây đang chiếm ưu thế xuất khẩu như lúa, càphê, tiêu.
Tháng 8.2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 212 về ATSH; 12.1.2006 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình trọng điểm Phát triển, ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, theo đó, đến 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của CNSH chiếm 70%, trong đó diện tích trồng trọt các cây trồng BĐG chiếm 30-50%,...
Theo TS Dương Hoa Xô - Giám đốc TT CNSH: Trong tháng 10, dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sẽ được trình Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là một bước tiến mới trong việc ứng dụng CNSH ở VN.
LĐ |