Bản in
Bộ KH&CN: Xăng dỏm trách nhiệm thuộc doanh nghiệp
Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho biết, Tổng Cục chỉ quản lí xăng từ đầu vào, còn từ kho xăng đến nơi bán lẻ phải do Bộ Công thương và các doanh nghiệp quản lí. Để xảy ra tình trạng xăng kém chất lượng như trong thời gian vừa qua, trách nhiệm này phải thuộc về các doanh nghiệp.

Những kết quả kiểm tra mới nhất ở một số cây xăng quanh những vụ cháy xe của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (TCDLCL), Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, đa số các mẫu xăng đều đạt tiêu chuẩn.

 

Đa số mẫu xăng tại các cây xăng đều đạt tiêu chuẩn

 

Theo số liệu từ Cục quản lí chất lượng hàng hóa, Tổng Cục TCDLCL  (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2011, tổng số mẫu được gửi thử nghiệm tại các Trung tâm Kĩ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 là 704 mẫu, trong đó có 552 mẫu đạt chất lượng theo yêu cầu của quy chuẩn kĩ thuật quốc gia QCVN 1:2009/BKHCN. Phát hiện 147 mẫu không đạt chất lượng về trị số octan và 05 có metanol.


Các sai phạm chủ yếu liên quan đến hàm lượng octan ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với tỉ lệ gần giống nhau, nhằm gian lận thương mại, ăn chênh lệch giá. Các sai phạm liên quan đến hàm lượng Metanol chủ yếu xảy ra ở miền Nam (3 mẫu), Đà Lạt 01 mẫu và Hà Nội 01 mẫu. Tuy nhiên tại Hà Nội chưa có người nào khiếu nại việc mua xăng ở cây xăng này gây cháy nổ.

Ngoài những mẫu xăng kiểm tra định kì và ngẫu nhiên, sau khi nhận được thông tin về cháy nổ, Tổng Cục Đo lường Chất lượng cũng đã tiến hành lấy mẫu xăng của xe bị cháy, mẫu xăng tại các cửa hàng khu vực lân cận nơi có xe bị cháy để thử nghiệm (như vụ cháy ô tô ở Bắc Giang, ở Định Công, Trần Phú (Hà Nội), Đà Nẵng, Bắc Ninh…).

 

Kết quả thử nghiệm xăng của các xe bị cháy, các cửa hàng, đại lí bán xăng, kể cả cửa hàng nơi một số chủ xe bị cháy báo đã mua xăng trước đó cho thấy chất lượng xăng đều phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật quốc gia QCVN 1:2009/BKHCN, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6776:2005 và không phát hiện có metanol, acetone.

 

Nguyên nhân cháy nổ do đâu?

 

Trước tình trạng nhiều xe bị cháy trong thời gian vừa qua, dư luận hiện đang có nhiều nghi vấn trái chiều, nhiều ý kiến cho rằng, việc cháy xe là do xe lưu hành quá cũ, dùng điện quá tải. Cũng có xe do lắp thêm các phụ kiện như: còi, đèn… quá trình sử dụng bị hỏng, chập cũng gây cháy nổ. Lại có ý kiến cho rằng, không phải lỗi do kĩ thuật mà do chất lượng xăng dầu.

 

Cũng không loại trừ khả năng do các cửa hàng bán xăng dầu, hoặc các hàng bán xăng vỉa hè đã gian lận thương mại với mục đích lợi nhuận nên đã pha thêm phụ gia metanol, acetone... vào xăng để nâng trị số octan.


Một nguyên nhân nữa cũng có thể do chính chủ sử dụng thiết bị tiết kiệm xăng cho trực tiếp vào bình xăng, các chất này có thể gây ảnh hưởng đến linh kiện, phụ tùng của xe, gây rò rỉ nhiên liệu khi có tia lửa điện dẫn đến cháy nổ hoặc tạo thành một hỗn hợp các chất để tự kích nổ.

 

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục lường Chất lượng, hiện tại, thông tin hơi bị méo mó về chất lượng xăng dầu. Bây gờ phải xác định được xăng có vấn đề gì không thì mới có thể xác định được nguyên nhân gây cháy nổ.


Từ đó phải có một cơ quan chức năng có chuyên môn về cháy nổ nghiên cứu mới có thể khẳng định được. Dư luận nói rằng xăng gây cháy nổ là đúng, nhưng nó có phải là nguyên nhân hay không thì không thể khẳng định được, bởi xăng nằm trong bình thì không thể tự dưng cháy nổ được. Xăng pha vào cái gì cũng vẫn là xăng, quan trọng là không để mở hay để gần nguồn nhiệt.

 

Về vấn đề quản lí chất lượng xăng dầu, ông Vinh cũng khẳng định, đầu vào của xăng dầu như xăng dầu nhập khẩu, xăng dầu tại nơi sản xuất đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Đối với xăng dầu nhập khẩu 100% các lô hàng đều được Cục quản lí chất lượng hàng hóa kiểm tra chất lượng.

 

Đối với các cơ sở sản xuất, pha chế xăng dầu trong nước đều có sự kiểm định chặt chẽ trước khi lưu thông ra thị trường. Một số đại lí bán xăng kém chất lượng ra thị trường là do khâu lưu thông, vấn đề này lại liên quan đến bên quản lí thị trường và Bộ Công thương, bởi Bộ Công thương cấp phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tổng Cục chỉ quản lí từ đầu vào, còn từ kho xăng đến nơi bán lẻ phải do Bộ Công thương và các doanh nghiệp quản lí.

 

Để xảy ra tình trạng xăng kém chất lượng như trong thời gian vừa qua, trách nhiệm này phải thuộc về các doanh nghiệp.