Bản in
Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Gần 1000 TCVN đã được công bố, việc xử lý vi phạm chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa nghiêm, còn nhiều vướng mắc trong thanh tra và xử lý các vi phạm, việc tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa, chống hàng giả và gian lận thương mại còn gặp nhiều khó khăn…

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và phương phướng, nhiệm vụ năm 2012 của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng do Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) tổ chức sáng 6.1.2012 tại Hà Nội.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TCĐLCL

Ông Trần Anh Tuấn, phó chánh văn phòng Tổng cục TCĐLCL cho biết, trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác TCĐLCL đã được triển khai xây dựng và hoàn thiện làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý của Tổng cục cũng như toàn bộ hệ thống các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TCĐLCL. Năm 2011, tổng cục đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật trong đó cấp Quốc hội là 01, cấp Thủ tướng là 04, cấp bộ là 17.

Tổng cục cũng đã tổ chức xây dựng, thẩm định trình bộ Bộ KH&CN công bố 845 TCVN trong đó có 335 TCVN do viện TCĐLCL Việt Nam và 510 TCVN do các bộ, ngành xây dựng dự thảo

Đã ban hành 20 văn bản đo lường Việt Nam về các quy trình thử nghiệm phương tiện đo và 06 quy trình kiểm định tạm thời về chuẩn đo lường, phương tiện đo và thử nghiệm để phê duyệt mẫu.

Kiểm soát không xuể chất lượng sản phẩm hàng hóa

Ông Đoàn Văn Bắc, phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về TCĐLCL giúp công tác kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa đạt kết quả tốt. “Nhờ có tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật mà đến nay, khu vực miền Trung thuốc bảo vệ thực vật đã được quản lý một cách chặt chẽ, không còn tình trạng kinh doanh và sử dụng thuốc bừa bãi” ông Bắc nói..

Báo động chất lượng sản phẩm hàng hóa

Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa đã được ngành TCĐLCL thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất để xử lý các công tin của thị trường về chất lượng hàng hóa có nghi ngờ ảnh hưởng đến người tiêu dùng như mũ bảo hiểm, xăng dầu, đồ điện- điện tử, đồ chơi trẻ em, khảo sát đánh giá các sản phẩm tiết kiệm điện, thiết bị đuổi côn trùng, …phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa, chống hàng giả và gian lận thương mại.

Kết quả, trong năm 2011, tổng cục đã tiến hành thanh, kiểm tra mặt hàng xăng dầu đối với 101 cơ sở kinh doanh xăng dầu trong cả nước. Kết quả, có 1/38 mẫu xăng dầu của 27 cơ sở phía bắc không đạt chất lượng (chiếm 2,6%); 9/43 mẫu của 49 cơ sở phía nam không đạt chất lượng (chiếm 21%) và 8/35 của 25 cơ sở tại miền Trung và tây nguyên không đạt chất lượng (chiếm 23%) theo QCVN 1:2009/BKHCN

Qua công tác kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm, phần lớn các nhãn hiệu mũ có mặt trên thị trường đều có dấu hợp quy (CR). Tuy nhiên, còn số lượng khá lớn mũ bảo hiểm không đảm bảo quy chuẩn QCVN 2: 2008/BKHCN. Năm 2011, tổng cục đã kiểm tra 683 mũ bảo hiểm các loại tại 88 cơ sở kinh doanh. Kiểm tra 145 nhãn hiệu mũ bảo hiểm chỉ có 116 nhãn hàng hóa phù hợp quy định còn 29 nhãn hàng hóa không phù hợp; 17/18 mẫu không đạt về độ bền va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên theo QCVN 2: 2008/BKHCN.

Kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em tại 84 cơ sở kinh doanh trong cả nước, số lượng đồ chơi vi phạm tương đối lớn. Đặc biệt, có tới 108/229 mẫu đồ chơi trẻ em tại 28 cơ sở phía nam ghi nhãn không phù hợp (chiếm 47%) và 4/16 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 25%) theo QCVN 3: 2009/BKHCN

Về mặt hàng thiết bị điện, điện tử có 34/69 mẫu ở các tỉnh phía bắc và 32/65 mẫu tại các tỉnh phía nam ghi nhãn không phù hợp theo QCVN 4: 2009/BKHCN (chiếm 50%).

Theo ông Trần Anh Tuấn, số lượng các vụ vi phạm về TCĐLCL được phát hiện là cao. Thời gian tới, tổng cục sẽ tiếp tục tuyên truyền việc sử dụng mũ bảo hiểm; tăng cường hướng dẫn và đưa ra các khuyến cáo về an toàn đồ chơi trẻ em, tăng cường kiểm tra sản phẩm điện, điện tử trong việc thực hiện gắn dấu hợp quy CR…

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Ông Trần Quốc Tuấn, cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết, việc thanh kiểm tra sản phẩm hàng hóa là không xuể do lực lượng cán bộ làm công tác thanh kiểm tra còn hạn chế. Đến nay, cả Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa mới có 46 cán bộ với 36 biên chế và chỉ có 24 cán bộ làm nhiệm vụ thanh kiểm tra ở cả 3 miền.

“Không những lực lượng cán bộ mỏng mà việc đầu tư trang thiết bị kiểm tra nhanh còn quá ít. Đến nay, mới chỉ có thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, nhiên liệu chứ chưa có thiết bị kiểm tra nhanh các loại độc tố trong đồ chơi trẻ em và nhiều sản phẩm khác. Đó là chưa kể trong việc thanh tra và xử lý các vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa còn bộc lộ nhiều vướng mắc giữa các đơn vị liên quan như Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Cục hải quan, Công an kinh tế…do chồng chéo chức năng, nhiệm vụ” ông Tuấn nói.

Liên quan đến những khó khăn trong việc thực hiện công tác TCĐLCL, TS Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng cho biết, hiện một số bộ, ngành chưa có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động TCĐLCL, không có người chuyên trách lại hay thay đổi nên việc triển khai còn chậm chưa đúng quy định, đầu tư của nhà nước cho hoạt động TCĐLCL chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cho đến nay, hầu hết các dự án đầu tư phát triển của tổng cục đều bị chậm vì không bố trí đủ vốn…

Phát biểu tại Hội nghị, thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá cao công việc mà Tổng cục TCĐLCL đã hoàn thành trong năm qua. Đồng thời, thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng nhấn mạnh năm 2012 công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL tập trung triển khai chương trình quốc gia năng suất chất lượng, tăng cường quản lý hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, kiểm định, hiệu chuẩn; kiểm tra chất lượng và đo lường đối với sản phẩm, hàng hóa; thực hiện tốt chức năng đầu mối quản lý công tác TCĐLCL các bộ ngành, địa phương.

Mai Hà