|
|||
Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Vũ Văn Diện cho biết, sau 5 năm triển khai đề án, đến nay đã có 5338 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), 170 Quy trình kiểm định, thử nghiệm đo lường và 3000 tiêu chuẩn ngành đã được ra soát nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng và sản xuất kinh doanh, đồng thời hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Sau khi ra soát, các tiêu chuẩn không cần thiết đã được loại bỏ, các tiêu chuẩn lạc hậu với trình độ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước được sửa đổi theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế tương ứng. Trên 1000 TCVN đã được soát xét hoặc ban hành mới phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt các công trình quốc gia và nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng, an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường đối với sản phẩm hàng hóa được lưu thông trong nước. Đặc biệt, hoạt động hoàn thiện hệ thống theo đề án TBT đã góp phần quan trọng trong việc nâng tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài từ 25 % trong năm 2005 lên gần 40 % vào thời điểm hiện nay. Việt nam trở thành nước có tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế ở mức trung bình khá. Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo ông Vũ Văn Diện vẫn còn một số hạn chế bởi trong những năm đầu tiên thực hiện việc triển khai đề án còn chậm và lúng túng, đặc biệt là những nhiệm vụ cần có sự phối hợp liên ngành như việc xây dựng phương án kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu và lưu thông trông nước. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý chưa quan tâm tới việc thực thi nghĩa vụ, sự phối hợp của các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước còn chưa được quan tâm đầy đủ…; việc xây dựng, giao và thực hiện kế hoạch kinh phí các nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn vì tính chất công việc mới, chưa có các hướng dẫn tương tự… Mặc dù còn có những mặt hạn chế chưa đạt được, tuy nhiên Đề án TBT giai đoạn 2005-2015 đã có hiệu quả tích cực và hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thực thi tốt các cam kết TBT Việt Nam cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Chính phủ đặt ra trong giai đoạn này. Vì vậy, việc triển khai Đề án giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu, đồng thời góp phần thực hiện các chính sách vĩ mô trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trên cơ sở nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của WTO. Đồng thời bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Mai Hà |