Bản in
“Siết chặt” quản lý DN bán lẻ xăng dầu
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu, bán xăng kém chất lượng cho người tiêu dùng.

Nhiều người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, làm thế nào để phát hiện xăng giả, không biết cửa hàng nào gian lận để tẩy chay, còn cơ quan quản lý thì chưa mạnh tay rút  giấy phép kinh doanh những cây xăng gian lận. Nhiều mức xử phạt đã đưa ra với tổng số tiền xử phạt cũng không hề nhỏ nhưng dường như xử phạt xong rồi thì “đâu lại vào đấy”...

Nhiều chiêu móc túi người tiêu dùng

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện xăng A83 vẫn được lưu hành trên thị trường và tại miền Nam thì Saigon Petro là doanh nghiệp cung cấp hàng bán cho các đại lý. Tuy nhiên, theo nhận định của cán bộ Saigon Petro thì hiện nay rất ít cây xăng còn bán xăng A83 vì người tiêu dùng gần như không sử dụng loại xăng này nữa. Giới kinh doanh xăng dầu thì cho biết vẫn có xăng A83 nhập khẩu. Tuy nhiên, lượng xăng A83 sản xuất trong nước chiếm đa số. Theo đó, doanh nghiệp có thể mua nguyên liệu về tự pha chế. Thậm chí có thể dùng xăng A92 pha với một số nguyên liệu khác để ra xăng A83 kém chất lượng hơn.

Theo thông tin công bố của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (TCĐLCL) với kết quả kiểm tra chất lượng các mẫu xăng A92 tại một số đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM mới đây, có nhiều mẫu xăng chỉ số octan rất thấp, chỉ đạt mức tương đương tiêu chuẩn của xăng A83.

Đại diện cán bộ phụ trách kinh doanh xăng dầu một doanh nghiệp thương mại tại TP.HCM, cho rằng đó là hiện tượng các doanh nghiệp lấy xăng A83 từ doanh nghiệp đầu mối nhưng lại pha trộn với xăng A92. Thậm chí có hiện tượng các đại lý, cây xăng tư nhân mua xăng A83 về rồi đổi tên thành xăng A92, A95 để bán cho người tiêu dùng, hưởng chênh lệch. Xăng A83 rẻ hơn xăng A92 đang bán hiện nay là 500 đồng/lít, xăng A95 là 1.000 đồng/lít. Như vậy, các doanh nghiệp bán xăng dởm lời ít nhất 500 đồng/lít

Với nhiều chiêu móc túi người tiêu dùng...(Ảnh: Quang Tuấn)

Trong khi đó, về nguồn xăng sản xuất trong nước, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ sản xuất xăng A92, A95, hoàn toàn không sản xuất xăng A83.

Còn ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro khẳng định, công ty không nhập khẩu xăng A83. Hàng phân phối cho đại lý là tự sản xuất tại nhà máy của công ty. Tuy nhiên, lượng sản xuất xăng A83 chỉ chiếm 5% tổng lượng các sản phẩm xăng dầu bán ra thị trường của công ty mỗi năm. Theo ông Sang, không chỉ doanh nghiệp đầu mối tự sản xuất được xăng A83 mà các đại lý, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể tự mua hóa chất về pha chế xăng A83.

Theo ông Trần Văn Vinh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN), hiện nay ở Việt Nam có ba loại xăng A83, A92 và A95. Do được bán với giá cao hơn nên hoàn toàn có thể xảy ra việc pha chế xăng chỉ số octan thấp với xăng có chỉ số octan cao để cho ra một loại xăng và công bố chất lượng sai sự thật. Chẳng hạn, pha xăng A92 vào xăng A95 và công bố, bán với giá xăng A95, hoặc pha chế A83 với A92 và bán với giá của xăng A92. Đó là một hiện tượng có thể xảy ra ở các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ.

Tại buổi giao ban trực tuyến về tình hình tháng 11 của Bộ Công Thương đã xoay quanh chủ đề nóng vụ 11 cây xăng bán xăng dầu “dởm” mà mới đây, Chi cục TCĐLCL TP.HCM phát hiện. Với chênh lệch 500 đồng/lít, loại xăng có trị số octan thấp này đã được các cửa hàng đã "treo biển" xăng A92. Trên thực tế, vài năm trước, vì xuất hiện tình trạng gian lận, trộn xăng A83 để bán với giá xăng A92 nên vấn đề có nên triệt tiêu xăng A83 hoàn toàn hay không đã được xới xáo.

Bộ trưởng  Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, Bộ đã kiến nghị nhiều lần về việc không sản xuất xăng A83 nữa nhưng hiện vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan. Các đơn vị đã lợi dụng điều này, bán xăng treo biển xăng A92, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ trưởng Hoàng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm gian lận, thậm chí rút cả giấy phép kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu tăng cường kiểm tra hệ thống phân phối, tất cả các đơn vị kinh doanh xăng dầu tăng cường kiểm tra chấm dứt tình trạng vi phạm này.

Công bố danh tính những cây xăng vi phạm

Thông tin từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 90 điểm kinh doanh xăng dầu trên biển và đất liền với 550 cột đo nhiên liệu; phân bổ chủ yếu dọc QL18A từ Đông Triều đến Móng Cái và vùng biển từ TP Uông Bí đến huyện Cô Tô. Trước thực trạng, hiện tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước với mức độ vi phạm ngày càng nhiều và tinh vi; gây bức xúc trong dư luận, Chi cục TCĐLCL và Thanh tra Sở KH&CN đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành các đợt thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Thời gian qua, Chi cục TCĐLCL đã phối hợp với một số cơ quan chức năng như Đội Quản lý thị trường 14- Chi cục Quản lý thị trường; Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra 22 đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã tập trung kiểm tra việc thực hiện các điều kiện kinh doanh, chất lượng, việc thực hiện ghi nhãn mặt hàng, ghi thông tin bắt buộc theo yêu cầu của QCVN 01:2009/BKHCN; quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xăng, nhiên liệu Diezen và nhiên liệu sinh học…

Vào thời điểm kiểm tra, còn có 6 cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu không thực hiện ghi các thông tin bắt buộc trên cột đo nhiên liệu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học (QCVN 01:2009/BKHCN). 6 cửa hàng, đại lý vi phạm là: Cửa hàng kinh doanh xăng dầu (Công ty CP TM Tân Hoà), Cửa hàng xăng dầu 53 Hải Yên (Xí nghiệp Xăng dầu Quảng Ninh), Đại lý bán lẻ xăng dầu Cẩm Trung (Công ty CP TM&DVDL Cẩm Phả), Đại lý xăng dầu Ánh Dương (Công ty TNHH Ánh Dương), Cửa hàng xăng dầu 96 Ninh Dương (Xí nghiệp xăng dầu Quảng Ninh), Cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Thành Đạt. Riêng Đại lý bán lẻ xăng dầu Quang Hanh (Công ty CP TM Minh Toàn) đã bán xăng dầu theo giá cao hơn giá niêm yết.

Mới đây, Chi cục TCĐLCL TP.HCM cũng đã công bố danh sách 11 doanh nghiệp bán xăng kém chất lượng. Qua kiểm tra đột xuất tại 55 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM, cho kết quả có 16/32 mẫu xăng được đưa đi thử nghiệm không đạt chất lượng so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đáng lưu ý, kiểm tra 16 mẫu xăng 92 thì có đến 11 mẫu không đạt chất lượng, một tỉ lệ được cho là rất cao; 10 mẫu xăng 95 thì có đến một nửa số mẫu không đạt chất lượng.

Việc công bố danh tính các đơn vị kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng được coi là một động thái tích cực trong công tác của cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn những hành vi gian lận. Hành động này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời điểm Luật Bảo vệ Người tiêu dùng đang được đưa vào cuộc sống, ông Trần Văn Vinh khẳng định.

Đinh Anh