Bản in
Quảng Trị: Nâng cao năng suất và chất lượng trong các doanh nghiệp
Nhằm triển khai thực hiện chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.

Mục tiêu của Chương trình là xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến, giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng, tạo lập môi trường, nguồn lực cần thiết để triển khai có hiệu quả hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh...

Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ ứng dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến đang được áp dụng phổ biến trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được cung cấp những thông tin cập nhật trong nước, thế giới về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa có liên quan; có thể được tham gia vào các dự án áp dụng thí điểm mô hình nâng cao năng suất và chất lượng thích hợp; tham gia vào các mạng lưới chia sẻ thông tin, kiến thức về năng suất và chất lượng.. .

Theo đó, đến năm 2020 có khoảng 50% tổng số doanh nghiệp của tỉnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến; có 80% lao động kỹ thuật và quản lý tại các doanh nghiệp có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin; 50% doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và 20% doanh nghiệp thực hiện các giải pháp công nghệ về tiết kiệm năng lượng; hàng năm có từ 3 đến 5 doanh nghiệp có sản phẩm mới đạt chất lượng cao tham gia các chợ công nghệ, thiết bị trong nước.

Các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cao su, cà phê, tiêu, gạo, xi măng, gạch tuy nen, phân bón… sẽ được bảo hộ sở hữu công nghiệp, xác lập chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và quản lý, sử dụng có hiệu quả. Quản lý chất lượng bằng quy chuẩn kỹ thuật đối với 100% nhóm sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường.

Sẽ có khoảng 20 doanh nghiệp được hướng dẫn xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá. 80% doanh nghiệp được đào tạo về năng suất và chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập, xuất khẩu, kỹ năng xúc tiến thương mại của doanh nghiệp…
                                                                                                                                                                                               

         P.N