Bản in
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia
Đồng Nai là một trong những địa phương liên tục hằng năm đều có nhiều DN tham gia và đoạt giải thưởng chất lượng ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, hầu hết DN này đa phần thuộc quy mô sản xuất lớn, là DN trong nước hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Những năm gần đây, các DN có quy mô nhỏ và vừa đã quan tâm hơn đến giải thưởng để khẳng định hình ảnh chất lượng trên thị trường, nhưng việc tiếp cận và tham gia giải còn nhiều thách thức do các yêu cầu khắt khe của giải.

DN kỳ vọng vào chuyển biến mới

Công ty TNHH Woosung Việt Nam (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã đầu tư vào Đồng Nai được 19 năm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thuộc quy mô DN sản xuất vừa và nhỏ với 150 nhân viên nhưng công ty đã xây dựng được hơn 200 đại lý tiêu thụ sản phẩm ở khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây nguyên.

Năm 2021, công ty có sự tăng trưởng mạnh mẽ dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và các tác động khác từ thị trường. Theo đó, sản lượng các dòng thức ăn cho heo con tăng 240%, thức ăn cho heo thịt tăng 97%, thức ăn cho cá da trơn tăng 8%. Nhờ kết quả này, Woosung Việt Nam đã được xếp hạng 90 trong bảng xếp hạng FAST500 - tốp 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Năm 2020, biết đến giải thưởng chất lượng quốc gia, sau khi tiếp cận các tiêu chí của giải thưởng, công ty đã rà soát và không ngừng tăng cường cải tiến quy trình, nâng cấp dây chuyền sản xuất, hệ thống tiếp thị, bán hàng để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng một cách nhanh và giá thành hợp lý nhất. Sau khi công ty đã rà soát các hoạt động của mình theo các yêu cầu của giải thưởng, năm 2022 công ty đăng ký tham gia.

Năm 2022, Đồng Nai có 15 DN đăng ký tham gia sơ tuyển giải thưởng, các DN đang tích cực  hoàn thiện hồ sơ, và rà soát lại hoạt động của mình theo các tiêu chí của giải thưởng. Tuy nhiên, bộ tiêu chí của giải thưởng bao gồm nhiều lĩnh vực, khía cạnh trong hoạt động của DN mà bản thân những người trực tiếp xây dựng hồ sơ không thể nắm được hết. Bên cạnh đó, hồ sơ giải thưởng sử dụng nhiều từ ngữ chuyên ngành, nếu không được sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn thì rất khó để diễn giải trong báo cáo tham dự.

Nhận định thị trường thức ăn chăn nuôi đang có sự cạnh tranh gay gắt và khó khăn về nguồn cung ứng nguyên, vật liệu, công ty đang tính toán và kỳ vọng vào chiến lược phát triển mới. Theo đó, công ty hướng vào những sản phẩm chất lượng, phân khúc cao cấp, xây dựng kế hoạch truyền thông, đưa thông điệp hợp tác đến tận nhà phân phối, trang trại chăn nuôi.

Bà Phạm Ngọc Minh Thư, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của công ty cho hay với lần đầu tiên tham gia giải thưởng, DN đặt kỳ vọng rất nhiều bởi sau những nỗ lực của mình, năng lực sản xuất sẽ được nâng lên. “Công ty đã lập đơn vị chuyên trách về phát triển nguyên liệu trong nước thay thế nhập ngoại, đồng thời nghiên cứu ra những công thức, sản phẩm nhằm góp phần rút ngắn thời gian, chi phí cho người chăn nuôi” - bà Minh Thư cho biết.

Không chỉ các DN ngoại quan tâm mà có những DN tư nhân trong nước cũng kỳ vọng cao về giải thưởng. Ông Trần Văn Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thực phẩm Coco Việt Nam cho biết hằng năm công ty cho ra thị trường khoảng 10 ngàn tấn thạch dừa các loại. Không chỉ cung ứng trong nước mà các sản phẩm thạch của công ty đã xuất khẩu được tới 19 quốc gia. Nhà máy đang trong quá trình nâng công suất lên 15 ngàn tấn/năm.

“Chúng tôi là DN thuần Việt, tham gia giải để khẳng định chất lượng, thương hiệu; đồng thời, chứng tỏ được khả năng của DN Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia giải còn có cơ hội để thực phẩm Coco có thể làm đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc thi chất lượng quốc tế, đây là cơ hội không dễ gì có được” - ông Hải khẳng định.

Hỗ trợ DN tham gia

Hiệu quả của chương trình giải thưởng chất lượng quốc gia với DN là rất rõ ràng, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, độ phủ của chương trình này vẫn chưa cao. Hằng năm, vẫn chỉ có một số lượng nhất định các DN, đa phần là DN lớn của Nhà nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia. Một trong những tiêu chí quan trọng để đạt giải cao chất lượng quốc gia là DN phải đáp ứng đầy đủ các quy định nghiêm ngặt của giải thưởng và đạt thành tích xuất sắc về chất lượng sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố, tiêu chí khác để đánh giá DN một cách toàn diện nên khối DN nhỏ, DN tư nhân vẫn còn những hạn chế khi xây dựng hồ sơ tham dự.


Sản xuất thạch dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm Coco Việt Nam

Các tiêu chí đánh giá của giải thưởng rất rộng và tổng quát, liên quan đến tất cả bộ phận trong công ty, từ người lao động ở vị trí thấp nhất đến lãnh đạo cấp cao nhất của DN. Để hỗ trợ, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng luôn cử cán bộ đồng hành với các DN trong suốt quá trình tham gia giải thưởng, từ việc hướng dẫn, giải thích, hỗ trợ xây dựng hồ sơ và góp ý.

Sự hỗ trợ này được DN ghi nhận trên thực tế. “Bộ hồ sơ tham gia giải thưởng gồm rất nhiều nội dung, rất khó nắm bắt. May mắn là trong quá trình thực hiện, điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chí mà giải đặt ra, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của cơ quan triển khai giải thưởng” - ông Võ Quang Nhân, phụ trách bộ phận marketing của Công ty TNHH Woosung Việt Nam cho hay.

Đối với các DN tham gia giải, bên cạnh được ghi nhận khen thưởng và khẳng định vị thế thì DN còn mong muốn được kết nối, chia sẻ các mô hình học hỏi về năng suất chất lượng giữa các đơn vị đã đạt giải trên địa bàn tỉnh và trong nước với nhau. “Cần phải hướng tới một cộng đồng sản xuất bền vững mà trước hết là từ các DN đã đạt giải thưởng chất lượng quốc gia. Muốn vậy, việc quảng bá giải thưởng cần được tổ chức tốt hơn, trong đó tạo cơ hội cho DN địa phương, ở các khu vực vùng sâu, vùng xa có cơ hội tham gia, khẳng định mình và cải tổ lại quá trình sản xuất, kinh doanh” - ông Trần Văn Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm Coco Việt Nam chia sẻ thêm.

DN được hỗ trợ áp dụng cải tiến năng suất chất lượng

 

Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được HĐND tỉnh thông qua ngày 8-12-2021. Theo đó, DN sẽ được hỗ trợ theo các nội dung sau: áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Thực hành, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...); quy trình, hệ thống tiên tiến thân thiện với môi trường (thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất xanh....) và chứng nhận sản phẩm, hàng hóa; chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng và sức khỏe nghề nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số, để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa công tác quản trị hoạt động tại các tổ chức, doanh nghiệp. Tham gia và đạt giải thưởng chất lượng quốc gia, giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ khác hỗ trợ sản xuất và dịch vụ thông minh, nhất là sản xuất sản phẩm, hàng hóa đặc thù, chủ lực của tỉnh.