Bản in
Đổi mới hoạt động đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
Tỉnh Bình Dương triển khai kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, hoạt động đo lường đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc bảo đảm sự công bằng, văn minh thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2018, Chính phủ đã có Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
 
Nhằm thực hiện Đề án này, Sở KH&CN tỉnh Bình Dương cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.
 
Kế hoạch hướng tới mục tiêu phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như thương mại - dịch vụ, hàng tiêu dùng, điện - điện tử, chế biến nông lâm sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số...; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp, tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp phát triển hoạt động đo lường.
 
Đồng thời kế hoạch sẽ góp phần áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
 
Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Dương cho biết, kế hoạch hướng tới một số mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 tỉnh sẽ đầu tư phát triển 4 chuẩn đo lường chính, đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác của doanh nghiệp; triển khai chương trình bảo đảm đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 20 doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường”.
 
Để triển khai kế hoạch thành công, tỉnh Bình Dương đề ra các giải pháp như áp dụng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, định kỳ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đo lường; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về đo lường; áp dụng các cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu; thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực, hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
 
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường phát triển hạ tầng đo lường; xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại; duy trì hệ thống chuẩn đo lường, bảo đảm độ chính xác và tính liên kết với chuẩn đo lường quốc gia của Việt Nam; phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để phục vụ nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho các cá nhân tham gia hoạt động đo lường của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp...
 
Nguồn: vietq.vn/