|
|||
Theo đó, QCVN 2:2021/BKHCN với lộ trình áp dụng như sau: Kể từ ngày 1/1/2024, các mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (sau đây gọi tắt là mũ bảo hiểm, mũ) sản xuất trong nước, nhập khẩu phải đáp ứng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường; Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm áp dụng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN kể từ ngày 1/8/2021. Các quy định trước đây liên quan đến quy chuẩn mũ bảo hiểm hết hiệu lực kể từ 1/8/2021. Mũ bảo hiểm đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 2:2008/BKHCN trước ngày 1/1/2024 được tiếp tục lưu thông trên thị trường đến hết ngày 31/12/2024. Một số thay đổi, khác biệt giữa hai phiên bản của quy chuẩn: 2. Phạm vi điều chỉnh: Quy chuẩn mới 2021 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe máy điện, xe đạp điện và các loại tương tự, trong khi phiên bản cũ 2008 chỉ quy định cho mô tô và xe máy. 3. Phân loại: Theo vùng che phủ, QCVN 2:2008 chỉ quy định có 3 loại là mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu và tai và mũ che cả đầu, tai và hàm. Quy chuẩn 2021 chia thành 4 loại, có thêm mũ che ba phần từ đầu (như quy định trong TCVN 5756:2017). 4. Cỡ, thông số và kích thước cơ bản: Theo chu vi vòng đầu, phiên bản quy chuẩn cũ 2008 chia thành 3 nhóm cỡ mũ: nhỏ (dưới 500 mm); cỡ trung (500mm - dưới 520mm) và cỡ lớn (từ 520mm trở lên). Đối với QCVN 2:2021/BKHCN các cỡ mũ được quy định cụ thể và viện dẫn theo Điều 4 TCVN 5756:2017 với 9 cỡ mũ có chu vi vòng đầu từ 460mm đến 620mm.
|
Như vậy theo phiên bản mới này, các cỡ mũ bao trùm các loại cỡ mũ từ trẻ con cho đến người lớn, đặc biệt có cỡ mũ 620mm (cỡ số 9) là cỡ lớn nhất mới đưa vào. Trong quy chuẩn mới còn có quy định về kích thước lưỡi trai, không được quá 70mm (cho lưỡi trai rời tháo lắp được và không quá 50mm (cho lưỡi trai liền khối với vỏ mũ).
5. Quy định kỹ thuật:
5.1 Khối lượng mũ:
QCVN 2:2021/BKHCN chỉ quy định khối lượng của mũ cho các loại mũ che nửa đầu, che ba phần tư đầu; theo đó không được lớn hơn:
- 0,8 kg cho các cỡ mũ 1, 2 và 3 [(460, 480 và 500) mm];
- 1,0 kg cho các cỡ mũ 4, 5, 6, 7, 8 và 9 [(520, 540, 560, 580, 600 và 620) mm].
Còn các cỡ mũ của loại mũ che cả đầu và tai, che cả đầu, tai và hàm đều không quy định. Quy chuẩn năm 2008 có quy định về khối lượng cho tất cả các cỡ, các loại mũ bảo hiểm.
5.2 Độ bền va đập và hấp thu xung động: Quy định mức yêu cầu kỹ thuật ở chỉ tiêu này của hai phiên bản là giống nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong phiên bản mới, phương pháp thử độ bền va đập và hấp thu xung động có một số thay đổi đáng kể.
5.3 Độ bền đâm xuyên; Quai đeo; Độ ổn định; Góc nhìn: Không có thay đổi giữa hai phiên bản của quy chuẩn.
5.4 Kính bảo vệ: Trong phiên bản trước, sử dụng từ “kính chắn gió” và quy định về hệ số truyền sáng không được nhỏ hơn 85%, còn trong QCVN 2:2021/BKHCN dùng từ “kính bảo vệ” và có quy định thêm về hệ số truyền sáng cho kính màu nhạt, trong suốt là không nhỏ hơn 50% (với yêu cầu trên kính có ghi chú “chỉ dùng cho ánh sáng ban ngày”).
6. Phương pháp thử
Các phương pháp thử cho hai phiên bản năm 2008 và 2021 của quy chuẩn mũ bảo vệ nhìn chung không có thay đổi nhiều, chỉ có điều kiện thuần hóa mẫu và phần thử độ bền va đập và hấp thu xung động là có khác biệt.
Hình ảnh thử va đập và hấp thu xung động tại QUATEST 3 Ảnh: ĐVT
6.1 Thuần hóa mẫu: QCVN 2:2008/BKHCN quy định có hai điều kiện thuần hóa mẫu; QCVN 2:2021 quy định đến ba điều kiện thuần hoá mẫu.
- Điều kiện thuần hóa theo QCVN 2:2008/BKHCN
Trong phiên bản mới của quy chuẩn (cũng như trong TCVN 5756:2017) có yêu cầu thêm điều kiện nhiệt độ thấp để thuần hóa mẫu vì lý do:
- Nhằm phát hiện các loại vật liệu không đảm bảo theo yêu cầu tại 5.1 TCVN 5756:2017 “Vật liệu chế tạo mũ phải đảm bảo mũ không thay đổi đáng kể hình dạng và chức năng bảo vệ của mũ do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ và…”;
- Khi thuần hóa ở nhiệt độ thấp, chức năng bảo vệ thể hiện qua độ bền va đập và hấp thu xung động sẽ suy giảm đáng kể, nhất là các loại nhựa tái sinh;
- Ở miền núi phía Bắc nước ta, có khi nhiệt độ xuống dưới 0ºC, cho nên yêu cầu thuần hóa ở nhiệt độ thấp là cần thiết;
- Áp dụng thuần hóa ở -10ºC cho phù hợp với sự hài hòa với các tiêu chuẩn nước ngoài. Các nước thường quy định thuần hóa ở -10ºC; kể cả một số nước ở vùng nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia (yêu cầu -20ºC) … Hơn nữa, qua báo cáo khảo sát thì khi thử va đập và hấp thu xung động giữa hai điều kiện thuần hóa ở 0ºC và -10ºC là không có sai biệt đáng kể;
- Quy định thuần hóa ở nhiệt độ thấp cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước thuận tiện khi xuất khẩu mũ bảo hiểm.
6.2 Phương pháp thử độ bền va đập và hấp thu xung động
a. Các tiêu chuẩn nước ngoài trước đây thường quy định độ bền va đập và hấp thu xung động bằng phương pháp đo gia tốc dội lại, gia tốc kế được gắn trong dạng đầu mũ bảo hiểm (có quy định khối lượng toàn bộ) và được cho thả rơi tự do từ một độ cao nhất định rơi xuống đe bằng thép. Phép thử yêu cầu tất cả các loại mũ phải thử va đập hai lần, tại cùng một vùng, hai vị trí thử trên vùng không được sai biệt quá 6mm. Lưu ý ở nước ngoài, người đi mô tô có dung tích xy lanh lớn, thường chạy với vận tốc cao cho nên các phép thử này tương đối là khắc nghiệt.
b. Gần đây, phiên bản mới của tiêu chuẩn Nhật Bản JIS T 8133:2007 “Proctective helmets for moto vihicle” và tiêu chuẩn Đài Loan CNS 2396, Z 2009 “Protective helmet for drivers and passengers of motorcycle and mopeds” có thay đổi rõ rệt về phân loại mũ và phương pháp thử va đập & hấp thu xung động:
- Mũ dùng cho người đi mô tô có dung tích xy lanh nhỏ hơn hay bằng 125cm³ chạy vận tốc đến 80km/h thì được sử dụng loại mũ che nửa đầu hoặc loại mũ che ba phần tư đầu. Các loại mũ này thử va đập và hấp thu xung động chỉ một vị trí cho mỗi vùng thử;
- Mũ dùng cho người đi mô tô có dung tích xy lanh lớn hơn 125cm³, chạy vận tốc cao trên 80km/h thì phải sử dụng loại mũ che cả đầu và tai hoặc loại mũ che cả đầu, tai và hàm. Các loại mũ này thử va đập và hấp thu xung động ở hai vị trí cho mỗi vùng thử (như các quy định trước đây).
c. Từ cơ sở tham khảo hai tiêu chuẩn của Nhật Bản và Đài Loan ở trên, xem xét tương ứng với điều kiện giao thông, xã hội của nước ta, phiên bản mới của tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5756:2017 và QCVN 2:2021/BKHCN quy định thử va đập và hấp thu xung động giống như quy định trong hai tiêu chuẩn Nhật và Đài Loan.
d. Trong kỹ thuật thử va đập, có một lưu ý lớn là khi xem xét động năng va đập vào mũ; mặc dù có cùng khối lượng, cùng độ cao nhưng sẽ khác nhau nếu có sự ma sát trong quá trình trượt của khối dạng đầu mang mũ bảo hiểm rơi xuống.
Điều này đã được giải quyết trong phiên bản tiêu chuẩn TCVN 5756:2017, bằng cách đưa ra quy định vận tốc khi va đập, còn chiều cao rơi chỉ là giá trị tham khảo. Như vậy, với các thiết bị thử có độ ma sát cao hơn bình thường, người thử phải lưu ý nâng độ cao lên cho vận tốc khi va đập trên mũ đáp ứng yêu cầu.
Thử nghiệm va đập và hấp thu xung động theo QCVN 2:2008/BKHCN cho tất cả các loại mũ
7. Ghi nhãn: Trong QCVN 2:2021/BKHCN ngoài các thông tin ghi nhãn theo phiên bản năm 2008, yêu cầu trên mũ và trên bao bì phải có ghi nhãn thêm các thông tin về xuất xứ hàng hóa; kiểu mũ, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo và đặc biệt có ghi khối lượng mũ và dung sai khối lượng.
8. Quy định về quản lý:
8.1 Mũ bảo hiểm sản xuất trong nước phải công bố hợp quy theo các quy định mới như Thông tư 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 và các văn bản pháp quy liên quan trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
8.2 Mũ nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, được gắn dấu CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, trong khi đối với quy chuẩn năm 2008, các mũ nhập khẩu này phải được chứng nhận hợp quy.
8.3 Trong quy chuẩn năm 2021, có quy định việc thử nghiệm phục vụ chứng nhận hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định.
8.4 Các phương thức đánh giá sự phù hợp giống nhau giữa hai phiên bản của quy chuẩn là phương thức 5 và phương thức 7.
9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân:
Trong QCVN 2:2021/BKHCN quy định nhiều hơn các trách nhiệm cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu, tổ chức cá nhân phân phối mũ bảo hiểm, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và các tổ chức chứng nhận.