Bản in
Năm 2010: Xử phạt gần 4 tỷ đồng hàng hóa trên khâu lưu thông
Thông tin trên được cung cấp tại Hội thảo về "Hậu việc dán tem hợp chuẩn, hợp quy đối với thiết bị điện, điện tử và đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, thiết bị viễn thông lưu thông trên thị trường".

Hội thảo do Ban chỉ đạo 127 TP. Hà Nội tổ chức ngày 14/1, tại Hà Nội.

Cụ thể, năm 2010, Chi Cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông được 538 vụ, phạt tiền gần 2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1,6 tỷ đồng (trong đó sản phẩm, hàng hóa không có dấu hợp quy là 12 vụ với số tiền phạt lên tới 140 triệu đồng).

Lực lượng QLTT cho biết, công tác kiểm tra và xử lý hàng hóa lưu thông trên thị trường cho thấy sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm 2 có đến 60% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, mặt hàng đồ chơi trẻ em chủ yếu là tem của doanh nghiệp nhập khẩu cấp cho người kinh doanh nên khi xác minh hầu hết không đúng loại hàng công bố, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Chất lượng hàng hóa thực tế khi kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy với hàng hóa đưa vào lưu thông trên thị trường còn có sự chênh lệch về mặt chất lượng, nhất là mặt hàng quạt điện, đồ chơi trẻ em..

Lý giải nguyên nhân trên, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Hàng hóa nhập lậu là do doanh nghiệp nhập khẩu theo đường tiểu ngạch không thực hiện quy định về công bố hợp quy được bày bán khá phổ biến, cạnh tranh không lành mạnh đối với các Doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch thực hiện công bố hợp quy.

Hơn nữa, qua quá trình xác minh tem hợp quy cho thấy nhiều doanh nghiệp in và phát hành tem hợp quy quá số lượng được chứng nhận hợp quy; Nhiều vụ nhập lậu do hàng khai báo nhập khẩu không đúng ký hiệu, chủng loại hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ (chủ yếu là máy tính, điện thoại di động). Nhiều mặt hàng như phụ gia thực phẩm, rau củ quả có sử dụng chất bảo quản quá giới hạn cho phép, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm…không đáp ứng chuẩn đang bán tràn lan trên thị trường.

Thực tế kiểm tra cho thấy giữa quản lý nhà nước trong việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy của doanh nghiệp còn nhiều khe hở như: thiếu thông tin và cung cấp thông tin về chứng nhận hợp quy, việc kiểm tra xử lý còn thiếu thông tin ban đầu, công tác phối hợp, xác minh và giám định gây kéo dài thời gian tạm giữ và thiếu quy định xử phạt đối với người kinh doanh.

"Để đưa việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trên khâu lưu thông, nhất là các hàng hóa nhóm 2 đạt hiệu quả trước hết phải nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam và rào chắn được hàng kém chất lượng nhập khẩu phải được điều chỉnh đồng bộ, tránh việc chia cắt đối tượng. Phạm vi, thủ tục kiểm tra của các Bộ liên ngành cần có sự đồng nhất. Hơn nữa cần có quy chế về cung cấp trao đổi thông tin về doanh nghiệp chứng nhận hợp quy giữ Bộ Công Thương và các Bộ ngành khác(Bộ KH&CN, Bộ Thông tin truyền thông”, ông Dũng nói.

Mai Hà