|
|||
Đưa mô hình quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp Trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp (DN). Theo báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) công bố, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời gian qua đã có tăng trưởng về nhiều mặt. Cụ thể, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm. Giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%. Nhìn chung, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm. Tính trung bình trong giai đoạn 2008-2016, các ngành kinh tế có NSLĐ ở mức cao là các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (KH&CN), hoạt động kinh doanh bất động sản, cung cấp nước. Theo Viện trưởng Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất. Đặc biệt, từ năm 2010, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hoạt động năng suất, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 (Chương trình 712). Nhiều hoạt động hỗ trợ DN thúc đẩy năng suất đã được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN... Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về năng suất thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng tài liệu phổ biến, hướng dẫn áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất; đào tạo chuyên gia thực hành cho các DN; nghiên cứu, tính toán các chỉ số năng suất, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và chuyển giao cách thức áp dụng cải tiến năng suất,... Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ “truyền thống” như: Lean/Kaizen; 5S, ISO,... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20% . “Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết. Giám đốc Công ty Cổ phần may Nam Hà Đào Tiến Dũng cho biết, từ năm 2010, Công ty đã bắt đầu tổ chức đào tạo về Lean cho đội ngũ quản lý từ cấp cơ sở đến cấp cao. Những năm tiếp theo, với sự tư vấn của các chuyên gia năng suất của Viện Năng suất Việt Nam, Lean, 5S, TPM, Kaizen bắt đầu được triển khai ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Sau 8 năm tham gia chương, năng suất lao động của Công ty Cổ phần may Nam Hà tăng trung bình 15%. Thu nhập của người lao động năm 2017 tăng cao đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, gấp gần 4 lần so với năm 2009. Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (TP.HCM) Nguyễn Thanh Hải cho hay, Công ty luôn kiên định áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng… áp dụng mô hình quản trị tiên tiến để cải tiến năng suất bởi năng suất và chất lượng là yếu tố sống còn của DN. Ông Hải cho rằng, bên cạnh việc chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ mới, áp dụng KH&CN tiên tiến của thế giới, việc áp dụng những mô hình quản trị tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh luôn được Nhựa Bình Minh quan tâm như: hệ thống Quản lý chất lượng theo ISO 9001; hệ thống Quản lý môi trường năm ISO 14000; công cụ Kaizen, 5S,... “Chúng tôi ý thức về chất lượng ổn định và không ngừng cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh. Thực hiện các giải pháp đồng bộ, phù hợp Đánh giá các yếu tố tác động tới hoạt động năng suất, Viện trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, mỗi DN, mỗi ngành đều có những yếu tố khó khăn riêng trong hoạt động nâng cao năng suất.
Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn Ví dụ trong điều kiện ngành may, các chương trình hỗ trợ tăng năng suất lao động tập trung vào cải thiện quá trình sản xuất, sắp xếp và bố trí các dây chuyển hợp lý hơn, giảm các lãng phí trong sản xuất; đồng thời cải thiện trình độ quản lý cũng như ý thức từ bản thân người lao động. Các yếu tố đang cản trở hoạt động tăng năng suất lao động là quản lý yếu, thiếu chuyên nghiệp, người lao động thiếu tính kỷ luật cũng như tác phong công nghiệp. Đối với các ngành công nghệ vừa và cao như: nhựa, hóa chất, cơ khí,... đòi hỏi lao động kỹ thuật cao, cần có định hướng cụ thể về đổi mới công nghệ; có giải pháp phù hợp nhân sự dôi dư khi DN đưa công nghệ tự động hóa trong sản xuất. Lĩnh vực liên quan đến khai thác hoặc xuất khẩu thì phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả trên thị trường thế giới,… Cũng theo ông Tuấn, thời gian gần đây, các cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ “nút thắt” để các DN có cơ hội tiếp cận với môi trường kinh doanh tốt hơn. Đơn cử như Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, với 96% lô sản phẩm, hàng hóa được chuyển sang hậu kiểm, năm 2017, Bộ KH&CN dẫn đầu việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi, “cởi trói” DN trong việc nhập khẩu máy móc, công nghệ mới, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ,... Điều này không chỉ tạo điều kiện cho DN thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước. “Hội nhập kinh tế là cơ hội và cũng là thách thức đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải đi lên từ sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ. Có thể nói rằng, để cải thiện năng suất lao động, ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp, có chính sách đào tạo, nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành và đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ... Bài, ảnh: Ngũ Hiệp |