Bản in
Bộ TN&MT: Dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QCVN 51:2013 sửa đổi không phải để hợp thức hóa cho Formosa
Bộ TN&MT đã lên tiếng khẳng định dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QCVN 51: 2013 không phải để hợp thức hóa cho Formosa.
Ngày 27/11 vừa qua, Bộ TN&MT đã lên tiếng khẳng định dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QCVN 51: 2013 được thực hiện theo hướng quy định chặt chẽ hơn, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép Việt Nam, không phải để hợp thức hóa cho Formosa.

Tuy nhiên, Bộ TN&MT thừa nhận rằng: “Trong quá trình soát xét, rà soát và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tổ soạn thảo đã nhận diện các vướng mắc, bất cập của QCVN 51, trong đó có việc quy định hàm lượng oxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng là chưa hợp lý”.

Trên cơ sở đó, Tổ soạn thảo đã đề xuất sửa đổi Quy chuẩn QCVN 51, có xem xét tới các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới, đảm bảo đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường.

Tại cuộc họp báo, báo chí cũng nêu câu hỏi về công văn của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho phép Formosa áp dụng mức oxy tham chiếu trong công đoạn thiêu kết là 15%, trong khi QCVN 51:2013 chỉ cho phép 7%, liệu việc này có đi ngược lại xu thế tăng cường bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu hiện nay không? Và hiện mức khí thải của các nhà máy gang thép khác ở Việt Nam trong công đoạn thiêu kết là bao nhiêu?

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã không trả lời trực tiếp vào nội dung câu hỏi nêu trên mà chỉ giải thích về quy trình chỉnh sửa các Quy chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực môi trường.

Theo ông Thức, cứ sau 5 năm, định kỳ các quy chuẩn sẽ được Bộ này rà soát chỉnh sửa, ban hành lại. Trong tổng số 44 quy chuẩn cần rà soát có 3 quy chuẩn liên quan tới ngành thép. Đó là khí thải liên quan tới Quy chuẩn 51, nước thải liên quan tới Quy chuẩn 52, và một quy chuẩn nữa liên quan tới trầm tích đáy.

 Liên quan tới việc chỉnh sửa Quy chuẩn 51, ông Thức khẳng định “không đặc cách, đặc thù cho ai cả, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở đảm bảo môi trường quốc gia, đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.

Giải thích sâu hơn về việc chỉnh sửa này, ông Thức cho biết :“QCVN 51 ban hành năm 2013,  7% cho tất cả các công đoạn. Trong công nghệ sản xuất thép truyền thống, chúng ta phải đi từ vùng nguyên liệu, tức lò luyện cốc thành nguyên liệu, rồi chuyển sang lò luyện gang, lò luyện thép".

Trên thế giới theo từng công đoạn người ta có quy định mức oxy tham chiếu. Với lò kín, thế giới quy định 6-7%, ta quy định 7%. Riêng công đoạn thiêu kết là hở, Bộ trưởng Trần Hồng Hà có chỉ đạo phải xem xét học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc... Quy chuẩn của Nhật Bản và Hàn Quốc là 15%, nhưng họ sẽ kiểm soát chặt hơn khí thải đầu ra.

Theo một số chuyên gia, công nghệ thiêu kết của Formosa hiện đại là dùng công nghệ Nhật Bản, và như thế độ tương đồng trong công đoạn thiêu kết hở này là 10%. Trong lần điều chỉnh này, chúng tôi sẽ làm chi tiết cho từng công đoạn liên quan tới từng loại công nghệ”.

Ông Thức cho biết thêm, hiện trên toàn quốc có 120 doanh nghiệp ngành thép có mức sản xuất từ 1.000 tấn/năm trở lên. Vấn đề là làm sao để khi ban hành quy chuẩn mới, các doanh nghiệp này vẫn phát triển được, nhưng vẫn yêu cầu họ có lộ trình áp dụng công nghệ mới để bảo vệ môi trường.

“Bộ trưởng Trần Hồng Hà có chỉ đạo chúng tôi rằng, thép là ngành mũi nhọn song không vì thế mà đánh đổi, mà bỏ qua môi trường. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tiêu chuẩn cho công đoạn thiêu kết, tiến tới tiệm cận với tiêu chuẩn của Nhật Bản”, ông Thức nói.
 
28 cơ sở vào diện kiểm soát đặc biệt về môi trường

Để tránh bị động như sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua, Phó tổng cục trưởng Tổng cục  Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, đã lấy ý kiến, rà soát và dự kiến đưa 28 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao, trong đó có Formosa Hà Tĩnh, bôxít Tây Nguyên, khai thác quặng đa kim ở Núi Pháo vào diện kiểm soát đặc biệt.