Bản in
Bộ KH&CN Việt Nam – Lào: tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Hiệp định hợp tác về KH&CN giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào được ký vào tháng 12/2008, thay thế Hiệp định ký năm 1985 đang ngày càng phát triển đặt yêu cầu hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng các nhà khoa học và nhân dân hai nước.

Sáng 25/6, tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An, Ủy ban hợp tác KH&CN Việt Nam - Lào đã tổ chức khóa họp lần thứ 4.

Tại khóa họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam - Lào, Bộ KH&CN Việt Nam và Lào thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
 
Dự hội nghị về phía Bộ KH&CN có các đồng chí: Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng; Trần Việt Thanh - Thứ trưởng, lãnh đạo các vụ trực thuộc và một số tỉnh.
 
Về phía Bộ KH&CN nước CHDCND Lào có các đồng chí: Boviengkham Vongdara - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng; Bounty Thamith - Thứ trưởng. Đồng chí Phomma Sitsena - Công sứ Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam; lãnh đạo các vụ trực thuộc và một số tỉnh.
 
Hợp tác KH&CN ngày càng đi vào chiều sâu
 
Căn cứ theo Hiệp định, Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam - Lào được tổ chức 2 năm một lần, luân phiên tại mỗi nước. Tại khóa họp lần thứ 3 được tổ chức tại Viêng Chăn (Lào) vào tháng 12/2014, hai bên đã thống nhất các hướng ưu tiên hợp tác giai đoạn 2015 - 2016, tập trung vào các nội dung: trao đổi các đoàn cấp cao, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực KH&CN của Lào; tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, thông tin KH&CN, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gữa các địa phương của hai bên.
 
 
Qua chương trình hợp tác, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung và hợp tác trong lĩnh vực KH&CN nói riêng đang ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Theo đó, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Tính đến tháng 12/2016, Bộ KH&CN Việt Nam cũng đã đào tạo 114 lượt cán bộ cho phía Lào trong các lĩnh vực như: viễn thám cơ bản và xử lý ảnh viễn thám, công nghệ chế tạo pin mặt trời và pin nhiên liệu…
 
Đặc biệt, Bộ KH&CN Việt Nam và Lào phối hợp tổ chức triển khai Dự án xây dựng: Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KH&CN của Lào từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, dự kiến bàn giao trong quý 3/2017 với tổng mức đầu tư hơn 98,8 tỷ đồng, trong đó phía Việt Nam là hơn 89,8 tỷ đồng và vốn đối ứng của Lào hơn 8,8 tỷ đồng;...
 
Phát biểu tại Khóa họp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, trong những năm qua, Bộ KH&CN Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác KH&CN với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào nói chung và hợp tác trong lĩnh vực KH&CN nói riêng đang ngày càng phát triển đặt yêu cầu hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng các nhà khoa học và nhân dân hai nước.
 


Bộ trưởng KH&CN Việt Nam và Lào ký Biên bản khóa họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam & Lào.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn: “Toàn thể lãnh đạo, cán bộ hai bộ KH&CN tiếp tục cố gắng và nỗ lực không ngừng để hợp tác giữa hai bộ đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nghị quyết Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt lâu đời giữa nhân dân hai nước. . Đồng thời cùng nhau đánh giá, trao đổi thỏa thuận Chương trình hợp tác mới cho giai đoạn 2017 – 2019 để thúc đẩy phát triển KH&CN của hai nước”.
 
Nhiều kết quả nổi bật
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Lào Boviengkham Vongdara cho biết hoàn toàn thống nhất với ý kiến của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh; đồng thời đánh giá cao những kết quả Bộ KH&CN Việt Nam đạt được, góp phần xây dựng Việt Nam phát triển.
 
Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác ở cấp Trung ương, địa phương trong lĩnh vực KH&CN giữa hai nước, đặc biệt là sự phối hợp trong khuôn khổ các nước ASEAN; qua đó góp phần vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
 
Những năm gần đây, ngoài sự hỗ trợ của các sở KH&CN của các tỉnh ở Việt Nam có đường biên giới với Lào (như Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La với các tỉnh Xa-va-na-khẹt, Xa-la-văn, Hủa Phăn), trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất tại các địa phương Lào, sự hợp tác giữa ngành KH&CN của hai nước đã có bước phát triển đáng khích lệ. Trước hết, Bộ KH&CN Việt Nam đã hỗ trợ Bộ KH&CN Lào xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN; xác định phương hướng ưu tiên và hình thức hợp tác trong lĩnh vực KH&CN giữa hai nước giai đoạn 2014 - 2016 và các năm tiếp theo; Bộ KH&CNViệt Nam (từ nguồn vốn ODA) giúp xây dựng Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý KH&CN của Lào. Theo kế hoạch, công trình này sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Hai bên còn triển khai nhiều dự án, đề tài và xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thám và thông tin địa lý ở Lào…
 
Giai đoạn 2017 - 2019, Bộ KH&CN Việt Nam hỗ trợ Quỹ phát triển KH&CN Lào phương pháp và kinh nghiệm xây dựng văn bản pháp quy phục vụ hoạt động Quỹ; hỗ trợ Lào hoàn thiện hạ tầng pháp quy và nâng cao năng lực kỹ thuật an toàn bức xạ; hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; triển khai hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực thông tin và thống kê KH&CN; hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
 
Tại hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Boviengkham Vongdara đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam - Lào. Hai Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia Việt Nam và Quỹ Phát triển KH&CN Lào; Biên bản ghi nhớ giữa Cục Ứng dụng và Phát triển KH&CN Việt Nam và Vụ Công nghệ và Đổi mới Lào.
 
Bài, ảnh: Ngũ Trịnh