Bản in
Ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học Việt Nam đầu tiên tại Australia
Lễ ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại bang Queensland đã diễn ra ở thành phố Brisbane, Australia.

Đây là mô hình hoạt động đầu tiên dạng này nhằm tập hợp, kết nối, huy động sức mạnh trí tuệ của các nhà khoa học người Việt ở Australia có chung mong muốn được đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ nước nhà. 

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, tham gia Câu lạc bộ có hơn 30 thành viên là các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu, giảng viên công tác tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan chính quyền bang Queensland trên nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ nano, kỹ thuật xây dựng, năng lượng, khoáng sản, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, các ứng dụng trong nông nghiệp, giáo dục, y tế… 

Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán phụ trách Khoa học-Công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, tiến sỹ Trần Công Yên đã giới thiệu những chính sách, ưu đãi của Chính phủ dành cho các nhà khoa học nước ngoài cũng như những nhu cầu cấp thiết về khoa học và công nghệ ở Việt Nam. 

Ông cho biết trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, xác định đây là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. 

Do vậy, Việt Nam đã và đang tích cực mở rộng, phát triển các quan hệ hợp tác nói chung và hợp tác về khoa học và công nghệ nói riêng để có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Đặc biệt, Chính phủ đã có Nghị định quy định một số chính sách về thu hút cá nhân trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia các hoạt động về khoa học và công nghệ tại Việt Nam. 

Ngoài ra, giữa Việt Nam và Australia cũng đã có Hiệp định hợp tác về khoa học và công nghệ giữa hai bên. 

Tiến sỹ Trần Công Yên bày tỏ hy vọng việc lần đầu tiên thành lập Câu lạc bộ các nhà khoa học Việt Nam tại Queensland sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu để từ đó tạo lập các câu lạc bộ tương tự ở các bang khác của Australia nhằm hình thành một mạng lưới kết nối các nhà khoa học người Việt ở đất nước châu Đại Dương này.

Tham tán Trần Công Yên phát biểu tại buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ

Ông tin tưởng sự ra đời và hoạt động sau này của Câu lạc bộ không chỉ giúp thực hiện tốt các chính sách nêu trên mà còn thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác song phương về khoa học và công nghệ, góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp toàn diện giữa Việt Nam và Australia. 

Tại buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi ý kiến, thảo luận phương thức hoạt động của Câu lạc bộ, các hình thức để có thể kết nối, tham gia trực tiếp vào các hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ về nước nhà, tìm kiếm các nguồn tài trợ, thực hiện các đề tài hợp tác nghiên cứu chung, hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam… 

Các nhà khoa học nói chung đều bày tỏ, thể hiện sự tâm huyết, những trăn trở, mong muốn làm sao có thể đóng góp, cống hiến sức mình, làm được cái gì đó để phát triển quê hương đất nước, đặc biệt trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đưa các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam sang đào tạo ở Australia; hay tìm kiếm, chuyển giao, nghiên cứu các công nghệ ứng dụng tiên tiến cụ thể trong nông nghiệp, y tế, giáo dục… 

Giáo sư Nguyễn Anh hiện công tác tại Đại học Queensland, Trưởng ban liên lạc Câu lạc bộ, cho rằng sự ra đời của Câu lạc bộ đã đáp ứng được nguyện vọng lâu nay của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam khi phải sống và làm việc ở xa quê hương luôn hướng về cội nguồn, mong muốn nước nhà ngày càng phát triển. 

Ông hy vọng qua hình thức sinh hoạt này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu người Việt không chỉ ở bang Queensland mà trên toàn Australia sẽ có cơ hội kết nối, phối hợp với nhau để đóng góp cho sự phát triển chung của nền khoa học và công nghệ nước nhà./.