|
|||
Hoạt động này được tổ chức nhân Kỷ niệm 20 năm hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam – Đức và tiếp theo thành công của sự kiện “Ngày Khoa học Đức” năm 2015 được tổ chức tại Hà Nội. Tham dự sự kiện dự kiến có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) Phùng Bảo Thạch, ông Frithjof A. Maennel - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục, ông Wilfried Kraus - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Năng lượng, Khí hậu và Phát triển bền vững. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện/cơ sở nghiên cứu khoa học và gần 200 chuyên gia, đại biểu của hai nước cũng sẽ tham gia, phát biểu và trình bày các bài tham luận. Tại sự kiện “Ngày Khoa học Đức” tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai Bên sẽ cung cấp các thông tin giới thiệu một số hoạt động hợp tác về KH&CN nổi bật trong thời gian qua, trong đó có các chương trình nghiên cứu chung và những kết quả của các dự án hợp tác song phương Việt Nam – Đức trong các lĩnh vực như nước, đất đai và môi trường, kinh tế sinh học, nghiên cứu sức khỏe và y tế, phát triển đô thị bền vững,… Các đại diện của CHLB Đức như Đại học Công nghệ Brandenburg, Viện Nghiên cứu cấu trúc nhẹ và thiết kế ý tưởng (Đại học Stuttgart), Viện Nghiên cứu Hệ thống giao thông (Trung tâm Không gian Đức), Viện Quy hoạch khu vực và đô thị (ĐH Công nghệ Berlin) sẽ trình bày ý tưởng về các hệ thống hạ tầng cho Thành phố Thông minh. Các chủ trương, chính sách, cơ hội về tài trợ kinh phí cho các hoạt động hợp tác song phương về KH&CN cũng sẽ được đại diện các cơ quan quản lý của hai bên trình bày và giải đáp. Sau 20 năm hợp tác, kể từ khi Nghị định thư hợp tác đầu tiên giữa hai Bộ được ký kết tháng 3/1997, hai Bên đã có nhiều hoạt động trao đổi thường xuyên và cụ thể hóa thông qua 5 lần họp Tổ công tác liên Bộ được tổ chức tại Việt Nam và Đức, tập trung vào các chủ đề chính như: quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; công nghệ sinh học; hợp tác nghiên cứu đổi mới công nghệ; y tế và phát triển đô thị bền vững… “Ngày Khoa học Đức” năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 01/3/2017 tại Khách sạn Caravelle, 19-23 Công trường Lam Sơn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Tổng quan quá trình phát triển hợp tác KH&CN Việt Nam – CHLB Đức: - Trước năm 1995, quan hệ hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức chủ yếu thông qua chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của DAAD, DES… - Năm 1996, lần đầu tiên một đoàn gồm các nhà Lãnh đạo và các chuyên gia đầu ngành của CHLB Đức đến thăm và làm việc với 30 cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam. Sau đó, có nhiều đề xuất hợp tác KH&CN giữa MOST và BMBF. - Tháng 3/1997, Nghị định thư hợp tác đầu tiên giữa MOST và BMBF được ký kết. - Tháng 9/2006, MOST và BMBF đã tổ chức thành công kỷ niệm 10 năm hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức. Hai Bên đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập Tổ Công tác liên bộ (Ủy ban hỗn hợp) về hợp tác KH&CN, họp lần thứ nhất tại Hà Nội. - Tháng 4/2008, Bộ trưởng MOST thăm chính thức CHLB Đức và ký Biên ban họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 2 về hợp tác KH&CN. - Tháng 9/2009, họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 3 tại Hà Nội. - Tháng 10/2011, hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội “Việt Nam và Đức – Đối tác chiến lược vì tương lai”, trong đó có đề cập đến việc đẩy mạnh hợp tác KH&CN lên cấp Chính phủ. - Tháng 11/2011, họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 4 tại CHLB Đức. - Tháng 12/2012, MOST và Bộ Kinh tế và Công nghệ (nay là Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức) (BMWi) đã ký Ý định thư hợp tác song phương trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ. - Tháng 11/2015, hai Bên đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHLB Đức về hợp tác KH&CN. - Tháng 12/2015, họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 5 tại Hà Nội. - Tháng 2/2017, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Hiệp định về hợp tác KH&CN với CHLB Đức. - Năm 2017 là tròn 20 năm ký Nghị định thư đầu tiên về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức. Tin: Bảo Chi Ảnh: Internet |