Bản in
Sắp diễn ra Ngày Khoa học Đức năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày 01 - 02/3/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Liên bang Đức (BMBF) và Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Ngày Khoa học Đức” năm 2017.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm hợp tác KH&CN Việt Nam – Đức. Tham dự sự kiện có Lãnh đạo Bộ KH&CN; ông Frithjof A. Maennel - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu và giáo dục; ông Wilfried Kraus - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Năng lượng, Khí hậu và Phát triển bền vững. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện/cơ sở nghiên cứu khoa học và gần 200 chuyên gia, đại biểu của hai nước cũng sẽ tham gia, phát biểu và trình bày các bài tham luận.

Tại sự kiện Ngày Khoa học Đức tại TP. Hồ Chí Minh, hai bên sẽ cung cấp các thông tin giới thiệu một số hoạt động hợp tác về KH&CN nổi bật trong thời gian qua, trong đó có các chương trình nghiên cứu chung và những kết quả của các dự án hợp tác song phương Việt Nam – Đức trong các lĩnh vực như nước, đất đai và môi trường, kinh tế sinh học, nghiên cứu sức khỏe và y tế, phát triển đô thị bền vững,… Ngoài ra, các đại diện của CHLB Đức như ĐH Công nghệ Brandenburg, Viện Nghiên cứu cấu trúc nhẹ và thiết kế ý tưởng (ĐH Stuttgart), Viện Nghiên cứu Hệ thống giao thông (Trung tâm Không gian Đức), Viện Quy hoạch khu vực và đô thị (ĐH Công nghệ Berlin) sẽ trình bày ý tưởng về các hệ thống hạ tầng cho Thành phố Thông minh. Các chủ trương, chính sách, cơ hội về tài trợ kinh phí cho các hoạt động hợp tác song phương về KH&CN cũng sẽ được đại diện các cơ quan quản lý của hai bên trình bày và giải đáp.

Năm 2015, “Ngày Khoa học Đức” được tổ chức tại Hà Nội. Được biết, ngày 19/3/1997, Bộ KH&CN và Bộ BMBF đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu khoa học. Thông qua Bản ghi nhớ này, hai Bên đã triển khai được nhiều chương trình, dự án hợp tác hiệu quả. 

Hợp tác giữa hai nước đã được thể hiện qua các dự án gồm: các phương pháp và giải pháp cho việc quản lý, bảo đảm an toàn khu chôn lấp rác thải Gò Cát (TP. Hồ Chí Minh) trên quan điểm chống biến đổi khí hậu và sử dụng hợp lý tài nguyên đất; cơ sở hạ tầng, quản lý môi trường và tài nguyên bền vững tại các đô thị lớn; giải pháp quản lý tổng hợp nước cho làng nghề tại Việt Nam; công nghệ bảo vệ nước và môi trường các vùng bờ biển Việt Nam; đào tạo quốc tế trong lĩnh vực khai thác mỏ để đảm bảo tính bền vững trong quản lý nguồn nhân lực,…

Hạnh Nguyên (tổng hợp)