|
|||
PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Trường Đại học Ngoại thương, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện mô hình hợp tác KH&CN giữa Việt Nam với các đối tác truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Nghiên cứu điển hình về hợp tác với Nga, Belarus và Kazakhstan” mã số KX.06.09/11-15 thuộc chương trình KX.06/11-15 cho biết như trên khi chia sẻ với phóng viên. Hội nhập phát huy tiềm năng PV: Xin bà cho biết hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN có vai trò như thế nào trong giai đoạn hiện nay? PGS.TS. Đỗ Hương Lan: Những thành tựu to lớn của KH&CN đã thúc đẩy nhanh chóng tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trên qui mô toàn cầu. Quá trình toàn cầu hoá đang chi phối mạnh mẽ và trở thành động lực thúc đẩy sự hội nhập của các nước vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, trong đó hội nhập quốc tế về KH&CN đang trở thành xu thế tất yếu. Hầu hết các quốc gia đều tăng cường hợp tác, hội nhập nhằm phát huy tiềm năng, nội lực, khai thác các lợi thế, các thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới để phát triển nền kinh tế đất nước, nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng phát triển KH&CN. Giai đoạn hiện nay, khi KH&CN đóng vai trò then chốt đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, là công cụ không thể thiếu để xây dựng nền kinh tế tri thức hướng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững thì hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, hợp tác và hội nhập về KH&CN là bộ phận không thể thiếu của hội nhập kinh tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế. Các khu vực (regions) và các quốc gia với những đặc điểm chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa khác nhau có vai trò khác nhau trong toàn cầu hóa, tuy nhiên đều xem hội nhập quốc tế như một phương thức phát triển trong đó có hợp tác và hội nhập về KH&CN. PV: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần làm gì để để không bị tụt hậu về KH&CN so với các nước trong khu vực, thưa bà? PGS.TS. Đỗ Hương Lan: Việt Nam với xuất phát điểm thấp nên tiềm lực KH&CN Việt Nam còn thấp kém, khoảng cách tụt hậu khá xa so với khu vực và thế giới. Nhận định này đã được đề cập trong Chiến lược 2001-2010 nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam sử dụng lạc hậu so với thế giới vào khoảng 30 năm và vài chục năm so với khu vực, còn trình độ chế tạo của cơ khí tụt hậu 2- 3 thế hệ. Phần lớn doanh nghiệp trong nước đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình trên thế giới. Mức độ thiết bị lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 52%, trong khi mức độ thiết bị hiện đại chỉ có 10% và mức độ thiết bị trung bình là 38%. Ở các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, thiết bị ở mức lạc hậu và rất lạc hậu chiếm đến 70%. Nếu nói Việt Nam cần làm gì thì câu trả lời là cần phải làm rất nhiều việc, đồng bộ và quyết liệt, bắt đầu từ việc đổi mới nhận thức tới thể chế chính sách… Ở đây, nhấn mạnh tới bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ thì một trong những cách thức có thể giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển, đó là đẩy mạnh hợp tác về KH&CN, trong đó chú trọng tới việc hợp tác giữa các tổ chức KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp KH&CN. Lợi thế so sánh - tiền đề cho hợp tác PV: Theo bà, trong quá trình Việt Nam hợp tác với các nước thực sự đã tạo ra những chuyển biến đột phá góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động hợp tác về KH&CN chưa? PGS.TS. Đỗ Hương Lan: Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ về hợp tác KH&CN với gần 70 nước, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ. Hơn 80 hiệp định hợp tác KH&CN cấp chính phủ và cấp bộ đã được ký kết và đang thực hiện. Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN. Từ năm 2000 đến nay, có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu triển khai các cấp; hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam với các tổ chức KH&CN của các nước trên thế giới đã và đang được thực hiện. Các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ được triển khai trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN, hợp tác song phương với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), với các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp; hợp tác với các cơ quan sở hữu trí tuệ trong khu vực và của các quốc gia khác vẫn được duy trì và phát triển. Hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ chú trọng. Tác động tích cực của việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN cụ thể là phong phú, đa dạng như Dự án “Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan” (IPP), dự án “ Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) do Ngân hàng Thể giới tài trợ được thực hiện từ năm 2013 đã bước đầu thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm. Ngoài ra, cùng với sự tham gia của Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam đã phát triển vắc xin di truyền ngược chống lại cúm gia cầm H5N1. Tham gia Hệ thống thông tin của các nước ASEAN về thuốc và phương pháp chuẩn đoán mới, Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả những biện pháp chẩn đoán và thuốc điều trị một số bệnh đặc trưng của vùng như sốt rét, lao phổi, sán mảng, sốt xuất huyết, ký sinh trùng leishmania, phù thũng, giun sán. Từ năm 2010 đến năm 2014, thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế đã huy động được gần 1 tỷ USD viện trợ. Nhờ đó một số chương trình hợp tác đã được thực hiện và đem lại kết quả thiết thực, thí dụ như Chương trình Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (Chương trình SP- RCC).
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Quỹ Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Cộng hòa Phần Lan Hội nhập quốc tế về KH&CN trong thời gian qua đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nâng cao trình độ cán bộ, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nhân lực KH&CN ở nước ta hiện nay vẫn chưa đủ năng lực để tham gia hiệu quả vào các hoạt động KH&CN quốc tế và khu vực; hàm lượng KH&CN đóng góp cho các hoạt động KH&CN quốc tế và khu vực còn thấp. PV: Với yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong xu thế Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới “thì điều kiện cần” để Việt Nam tiến hành hợp tác quốc tế về KH&CN là gì, thưa bà? PGS.TS. Đỗ Hương Lan: Lợi thế so sánh cũng chính là tiền đề cho các hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN. Điều này giải thích lí do tại sao lại có sự bắt tay trong nghiên cứu hay ứng dụng sản xuất giữa các quốc gia không cùng trình độ và năng lực trong lĩnh vực KH&CN. Trong các mối quan hệ hợp tác này, các quốc gia phát triển có năng lực cao về KH&CN, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại sẽ đóng góp vào đó yếu tố “chất xám”, “công nghệ” và “tư bản”. Đây được xem như là những thế mạnh - một dạng lợi thế so sánh của nhóm quốc gia này. Ngược lại các quốc gia đang phát triển lại có yếu tố “nhân lực” dồi dào, giá rẻ, có đội ngũ tri thức có kiến thức tốt nhưng thiếu điều kiện thực hành, hoặc có môi trường pháp lí đơn giản, ít rắc rối - là điều kiện tốt để tiến hành thực nghiệm các thành tựu KH&CN cần kiểm chứng… đây chính là lợi thế của các nước này khi tham gia vào hợp tác. Các “điều kiện cần” cơ bản để tiến hành hợp tác quốc tế về KH&CN là điều kiện kinh tế - chính trị, cơ sở hạ tầng, cơ cấu thể chế, chính sách, đầu tư cho khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực khoa học – công nghệ. Trong đó, nguồn nhân lực KH&CN là quan trọng nhất. Tại sao năng suất và lợi nhuận thu được từ đầu tư cho KH&CN tại các nước đang phát triển thường thấp hơn so với ở các nước phát triển, với cùng một nguồn kinh phí được chi tiêu là bởi những hạn chế trong khả năng tiếp nhận và sáng tạo của nhân lực KH&CN. Nhân lực KH&CN là nhân tố quan trọng xây dựng năng lực quốc gia về KH&CN. Phát triển nguồn nhân lực KH&CN là một nhiệm vụ quan trọng ngay cả ở các nước tiên tiến nhất về khoa học đến các nước đang phát triển. PV: Xin cảm ơn bà!
Bảo Chi (lược ghi)
|