|
|||
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN hiện đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được đòi hỏi của công tác quản lý. Đã khẩn trương triển khai đề án tăng cường mạng lưới đại diện KHCN ở nước ngoài, thành lập bộ phận đại diện tại 6 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pháp, Đức và Hoa Kỳ. Hoạt động hiệu quả của mạng lưới sẽ là cầu nối quan trọng, làm thay đổi cơ bản hợp tác KHCN giữa Việt Nam với nước ngoài theo hướng chủ động hội nhập.
Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký hiệp định hợp tác KHCN với hơn 50 quốc gia và tham gia vào hàng trăm tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực khoa học. Riêng hơn 200 nhiệm vụ thực hiện trong 5 năm qua thông qua hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư với nước ngoài và một số chương trình dự án hợp tác KHCN khác đã thu hút 128 triệu USD từ phía các đối tác (gấp 6,6 lần tiền ngân sách, chiếm khoảng 87%) trong khi ngân sách KHCN hỗ trợ 365 tỷ đồng (khoảng 18 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 13%) là kinh phí đối ứng để cùng thực hiện nghiên cứu. Thông qua hợp tác nghiên cứu chung đã có 158 mẫu, sản phẩm được tạo ra. Đây là những sản phẩm có giá trị thương mại, nhiều sản phẩm đang được tiêu thụ trên thị trường; Có 302 loại vật liệu, thiết bị, máy móc, giống cây trồng và vật nuôi được tạo ra; 216 phần mềm, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật mới được thiết lập và phát triển; đặc biệt là có 8 bằng sáng chế độc quyền được cấp phép và bảo hộ trong nước.
Hợp tác quốc tế về KHCN đã tạo ra những giá trị gia tăng quan trọng, giúp giải quyết nhanh và có hệ thống hơn đối với một số vấn đề khó khăn về nghiên cứu KHCN trong nước, qua đó rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như tranh thủ kinh nghiệm, tri thức, giải pháp KHCN sẵn có của nhiều đối tác quốc tế. Nhiều nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu gắn với đào tạo đã giúp cho việc tìm kiếm, giải mã nhiều bí quyết công nghệ của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm của một số DN trong nước. Thêm nữa, đã giúp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ KHCN, nâng tầm nền KHCN trong nước theo các chuẩn mực quốc tế nhờ cập nhật và làm chủ các phương pháp nghiên cứu mới, tiếp cận các máy móc, trang thiết bị phân tích mẫu, thí nghiệm hiện đại; số lượng các công bố tăng lên do tận dụng được môi trường học thuật thuận lợi.
Đặc biệt, thông qua hợp tác đã hình thành ngày càng nhiều chương trình KHCN quốc tế (ở cấp độ khu vực và thế giới) đòi hỏi có sự liên kết giữa cộng đồng KHCN quốc tế để giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu: bệnh dịch, môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng…). Việt Nam đã trở thành một “điểm đến của giới KHCN quốc tế trong khu vực ASEAN, có sự kết hợp ngày càng tăng giữa các nhà nghiên cứu và DN của đối tác nước ngoài trong hợp tác với trong nước như tham gia trình diễn và bán công nghệ…
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động này cũng còn nhiều bất cập như việc lựa chọn một số nhiệm vụ, dự án đi đàm phán chưa đúng tầm, đúng trọng tâm, thiếu tính gắn kết với những chương trình đang thực hiện trong nước; chưa “tập hợp” được đội ngũ các nhóm nghiên cứu mạnh có đủ năng lực để khai thác hiệu quả các dự án quốc tế về KHCN (từ nhiều nguồn khác nhau: từ DN, từ các chương trình/ dự án đa phương, song phương). Bên cạnh đó, xác định và khai thác đối tác nước ngoài chưa hiệu quả: việc lựa chọn đối tác hợp tác và đàm phán còn thiếu tính tập trung, ưu tiên, xác định chưa đúng trọng tâm thế mạnh của đối tác… Đồng thời, cơ chế tài chính còn thiếu tính linh động. Đặc thù của nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư nằm ở việc phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Do vậy, đôi khi cơ chế tài chính theo năm kế hoạch hiện nay dẫn đến tình trạng có những nhiệm vụ đã được đồng ý nhưng bị “nhỡ” kế hoạch tài chính, nên không hoặc chậm được triển khai.
Trong giai đoạn tới (2011- 2015), Bộ Khoa học và Công nghệ xác định phân loại đối tác ưu tiên để xây dựng kế hoạch hợp tác và cơ chế khai thác cụ thể với từng nhóm đối tác song phương và đa phương. Phân loại các hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài, để xây dựng cơ chế hỗ trợ tương ứng theo hướng đảm bảo đầu tư có trọng điểm nhằm đạt được tối đa giá trị gia tăng từ hoạt động hợp tác quốc tế. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác quốc tế và hội nhập của KHCN địa phương, gắn với việc xử lý những yêu cầu của địa phương, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Tăng cường sự tham gia của DN vào các nhiệm vụ Nghị định thư (quan tâm đến nhu cầu, huy động sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng các kết quả KHCN từ nhiệm vụ…)./.
Quỳnh Nga |