|
|||
PV: Xin ông cho biết mục đích của ASEAN-EU STI Days 2016? - Thứ trưởng Trần Việt Thanh: ASEAN-EU STI Days 2016 là diễn đàn về KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa các nước ASEAN với các nước EU. ASEAN-EU STI Days 2016 thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu, trong đó 388 đại biểu quốc tế là các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các công ty, các giáo sư nghiên cứu hàng đầu châu Âu và châu Á của hơn 40 quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Dịp này các nước ASEAN và EU tập trung trao đổi những vấn đề nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác về KH&CN qua sự phối hợp và hỗ trợ các hoạt động, hiện đang là thách thức lớn như: quản lý nước, y tế, và an ninh, an toàn lương thực. EU là khu vực có nền khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển. Tôi cho rằng sự kiện này được tổ chức rất đúng thời điểm, góp phần quan trọng thúc đẩy nền KH&CN ASEAN phát triển bắt kịp với trình độ thế giới. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học và các nhà quản lý, doanh nghiệp của hai khu vực có dịp trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các chương trình hợp tác chung của EU nói chung cũng như ASEAN nói riêng. Tại diễn đàn này, nhiều vấn đề nóng mà các nước ASESN cũng như các nước EU cùng quan tâm như: bảo vệ môi trường, sức khỏe, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ….và một số nội dung khác. Các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với đại diện của các nước trong khu vực ASEAN, EU. Từ đó có thể tạo ra mối quan hệ và hình thành những hợp tác nghiên cứu cũng như đổi mới sáng tạo trong giai đoạn tới.
Triển lãm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại ASEAN – EU STI Days 2016 (Ảnh: Tuyết Nga) PV: Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo ông, vấn đề hợp tác với các nước và ASEAN và EU sẽ như thế nào khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại? - Trong giai đoạn tới, khi Việt Nam hội nhập tích cực và sâu rộng thì sự cạnh tranh rất nhiều, đòi hỏi cho các doanh nghiệp của chúng ta cũng phải đổi mới và đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo về sở hữu trí tuệ để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong môi trường mới. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận được các vấn đề mà hiện nay các nước trong ASEAN cũng như EU đang triển khai, thực hiện. Sự kiện mở ra cơ hội cho các nhà hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo xây dựng mạng lưới nhằm trao đổi, thảo luận những chủ đề mà họ cùng quan tâm, đồng thời đưa ra những triển vọng hợp tác mới. Trong khuôn khổ của Chương trình FP7 của Châu Âu, rất nhiều đề tài được giới thiệu, và các nhà khoa học Việt Nam có thể đăng ký và tham gia vào những chương trình hợp tác chung đa phương đó. PV: Xin ông cho biết triển vọng hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và EU trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và đặc biệt là trong quản lý nguồn nước? - Tại Hội nghị lần này, các học giả và các chuyên gia trong và ngoài khu vực Đông Nam Á cung cấp khung để thảo luận về ảnh hưởng của việc quản lý nước đối với kinh tế - xã hội, sức khỏe và môi trường do hậu quả của các hệ thống nước bằng cách chia sẻ các hoạt động nghiên cứu giữa các bên liên quan. Đó là những vấn đề mà các nước EU có thế mạnh, các nước ASEAN cũng rất quan tâm. Cho nên trong những nội dung của diễn đàn lần này có những buổi tọa đàm liên quan đến các lĩnh vực như quản lý về nước hay về nông nghiệp công nghệ cao. Qua diễn đàn Việt Nam có thể chia sẻ các vấn đề đang gặp phải. Các nhà khoa học ASEAN và EU luôn luôn sẵn sàng phối hợp cùng với Việt Nam nghiên cứu và giải quyết các vấn đề. PV: Các nước EU sẽ có những trợ giúp gì đối với Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông? - ASEAN-EU STI Days 2016 là diễn đàn để có thể trao đổi và nêu ra những vấn đề hợp tác. Hiện nay, EU có những chương trình như Chương trình FP7 - chương trình nghiên cứu đa phương giữa các nước EU và ASEAN. Trong khuôn khổ chương trình đó, các tổ chức nghiên cứu ASEAN tham gia vào các dự án nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề nóng hổi mang tính toàn cầu hiện nay như bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật, an toàn thực phẩm, quản lý tài nguyên nước, năng lượng mới, công nghệ thông tin…. PV: Xin cảm ơn ông!
Tuyết Nga (thực hiện)
|