Bản in
Thúc đẩy năng suất để tăng trưởng ở Việt Nam: Không chỉ là ưu tiên về chính sách mà là yêu cầu cấp thiết
Là một trong những nội dung được thảo luận tại buổi Công bố Điều tra Kinh tế - xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016 vừa diễn ra ngày 28/4 tại Hà Nội, do Ủy Ban Kinh tế - xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UN ESCAP) tổ chức.

Phát biểu tại buổi Công bố, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế Vĩ mô – Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết, việc cải thiện năng suất không chỉ đơn thuần là một thông điệp chính sách mà cần phải có biện pháp cụ thể tập trung mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN); giáo dục và đào tạo, đồng thời đề cao vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, theo ông Dương, việc cải cách năng suất là một lộ trình lâu dài, xuyên suốt, do vậy, cần phải hết sức kiên nhẫn trong quá trình triển khai.

Cũng tại buổi Công bố, các chuyên gia đã trình bày một số nội dung: nuôi dưỡng năng suất để tăng trưởng bao trùm toàn diện và phát triển bền vững; thúc đẩy năng suất ở Việt Nam – không chỉ là một ưu tiên về chính sách mà là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện hoạt động năng suất tại Việt Nam như: tăng nguồn ngân sách vào hoạt động KH&CN, Giáo dục và Đào tạo; kết nối, cải thiện giữa các chương trình đào tạo công và doanh nghiệp; làm thế nào để tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia và giữ được lao động sau khi đào tạo; liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…

Theo UN ESCAP, các quốc gia khi thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững cần dựa vào tăng năng suất chất lượng trên diện rộng, đồng thời đưa ra báo cáo quan trọng Khảo sát Kinh tế - xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016.

Theo đó, UN ESCAP nhấn mạnh tới hoạt động thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện năng suất sản xuất nông nghiệp. Giảm năng suất là nguyên nhân của gần một phần năm suy giảm kinh tế gần đây, từ mức tăng trưởng bình quân 9,4% giai đoạn 2005 – 2007 xuống còn khoảng 4,6% năm 2015. Trong thông điệp video tại buổi Công bố, TS. Shamshad Akhtar, hàm Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc đông thời là Giám đốc điều hành UN ESCAP cho biết, việc tăng tiền lương thực tế - yếu tố thiết yếu nhằm giải quyết nghèo và bất bình đẳng cũng như hỗ trợ nhu cầu nội địa phụ thuộc vào yếu tố tăng năng suất.

Trong bối cảnh đa dạng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Khảo sát nêu lên các vấn đề chính sách cụ thể như: cải thiện  sự tham gia lao động nữ ở Nam và Tây Nam  Á; giải quyết thách thức dân số già hóa ở Đông và Đông Bắc Á; đa dạng hóa kinh tế và phát triển khu vực dịch vụ ở Bắc và Trung Á…

Cùng trong ngày 28/4, Khảo sát Kinh tế - xã hội Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được công bố đồng thời tại 24 nước trong Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Khảo sát cập nhật sẽ được công bố vào tháng 11/2016.

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp