|
|||
Hợp tác Việt Nam - EU Năm 2005, Chính phủ đã thông qua đề án tổng thể quan hệ Việt Nam - EU và Chương trình hành động đến 2010 và định hướng tới 2015 với mục tiêu đưa quan hệ Việt Nam - EU trở thành "Quan hệ đối tác toàn diện và bền vững, trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới của thế kỷ 21". Các hoạt động hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ ngày càng phong phú và đa dạng, đưa quan hệ hai bên phát triển một cách toàn diện. Ngày 27/6/2012, Việt Nam và EU, đã ký chính thức PCA. Các nguyên tắc cơ bản được quy định tại PCA như tính khác biệt về trình độ phát triển, luật pháp phù hợp với khả năng của Việt Nam. Việc ký chính thức PCA và khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU là hai sự kiện quan trọng, tạo đà cho việc phát triển quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực. Hiệp định PCA và việc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EU là những bước phát triển hết sức quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam - EU chuyển sang một giai đoạn mới theo tinh thần đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. EU là đối tác đầu tiên của Việt Nam có chiến lược tổng thể về hợp tác và Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đưa ra một chiến lược hợp tác toàn diện với EU. Hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và EU được thực hiện trong khuôn khổ Tiểu ban KH&CN giữa Việt Nam – EU. Nội dung chủ yếu là thúc đẩy các nhà khoa học tham gia thành công vào chương trình Khung FP7. Đến nay, Tiểu ban KH&CN đã họp hai phiên, Phiên họp Tiểu ban hợp tác Việt Nam - EU về KH&CN gần đây nhất được tổ chức ngày 07/10/2011 theo hình thức video conference do Bộ KH&CN Việt Nam và Tổng vụ Khoa học và Sáng tạo của EU thực hiện. Hai bên ghi nhận những kết quả đạt được như: Hoàn tất đàm phán điều khoản điều khoản về KH&CN trong Hiệp định hợp tác toàn diện VN - EU (PCA), thúc đẩy các cơ quan, đối tác phía Việt Nam tham gia tích cực hơn vào Chương trình khung 7 (FP7) của EU trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ sinh học, hoàn chỉnh đề cương tài liệu tham gia FP7. Chương trình KH&CN khung lần thứ 7 của EU, giai đoạn 2007 - 2013 (FP7), là một chương trình KH&CN lớn nhất của châu Âu từ trước đến nay với tổng kinh phí đầu tư gần 54 tỷ euro, trong đó khoảng 32 tỷ euro dành cho các dự án nghiên cứu chung trên 10 lĩnh vực ưu tiên. Chương trình khuyến khích sự tham gia của cộng đồng KH&CN quốc tế. Trong các Chương trình trước, số lượng các dự án có sự tham gia của các nhà khoa học nước ta tương đối cao (42 dự án, xếp thứ ba trong khu vực ASEAN, sau Thái Lan và Singapore). Sở dĩ nước ta đạt được tỷ lệ cao như vậy là do chúng ta đã xây dựng được các mối quan hệ hợp tác song phương có hiệu quả với các nước thành viên EU, nhất là với CHLB Ðức, Pháp, Italia. Dựa trên kết quả đó, lãnh đạo Ủy ban Châu Âu khẳng định tiếp tục ủng hộ nước ta tham gia tích cực hơn nữa vào Chương trình FP7, nhất là về các lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin - truyền thông, ngoài hai lĩnh vực mà trước đó Ủy ban Châu Âu giới hạn cho Việt Nam là lương thực, thực phẩm và y tế. Hai Bên thống nhất quan điểm hợp tác KH&CN, đổi mới sáng tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam - EU. Việc huy động nguồn lực tài chính từ cả hai bên là yêu cầu quan trọng để cụ thể hoá mục tiêu ưu tiên này thành các chương trình, dự án hợp tác cụ thể. Đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp cũng là nội dung hai bên cần hướng tới. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bộ KH&CN (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN)) đã triển khai khá thành công Dự án: Hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải tiến khung pháp lý về an toàn hạt nhân và nâng cao năng lực cho cơ quan pháp quy Việt Nam (Cục ATBXHN) và Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật (TSO) trị giá 2 triệu Euro do EU viện trợ không hoàn lại. Ngày 15/4/2015, Ủy ban Châu Âu (EC) và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã phối hợp tổ chức cuộc họp tổng kết Dự án VN3.01/09 nhằm tổng kết các kết quả và lợi ích thu được từ Dự án đối với Cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam. Trong 3 năm thực hiện Dự án, hai bên đã phối hợp tổ chức 27 hội thảo và khoá đào tạo cho hơn 500 lượt cán bộ và 9 đoàn ra cho 22 cán bộ học tập từ 1 đến 5 tuần tại các nước Châu Âu bao gồm Đức, Pháp, Phần Lan, Bỉ. Thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ chủ động thúc đẩy các hoạt động hợp tác trao đổi chuyên gia, các nhóm nghiên cứu của Việt Nam với các cơ quan nghiên cứu của Châu Âu, đồng thời phối hợp xây dựng một số chương trình học bổng tập sự dành cho cán bộ Chính phủ Việt Nam tại các quốc gia EU. Đại diện cơ quan có thẩm quyền của hai bên sẽ từng bước xây dựng cơ chế hợp tác giữa các khu công nghệ cao, các phòng nghiên cứu trọng điểm/xuất sắc để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác nghiên cứu chung, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN và hướng đến ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả các thành tựu KH&CN trong thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội. Bộ KH&CN dự kiến sẽ phối hợp với các nước EU xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia nhằm triển khai tích hợp, hợp tác sử dụng dữ liệu chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo tại Liên minh Châu Âu và làm việc tại các tổ chức KH&CN ở Việt Nam hoặc EU. Đến nay, Bộ KH&CN đã được EU hoặc các tổ chức thuộc EU tài trợ thực hiện một số dự án trọng điểm. Cụ thể: Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ” (FIRST) do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã được khởi động vào tháng 11 năm 2013. Đây là lần đầu WB hỗ trợ một dự án trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với mục đích xây dựng và thí điểm triển khai một số chính sách góp phần hoàn thiện khung chính sách quốc gia khuyến khích phát triển KH&CN; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN theo hướng chủ động gắn kết với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo công nghệ trong doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Dự án FIRST trị giá 110 triệu USD, trong đó 100 triệu là vốn vay ưu đãi từ IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) của WB với ân hạn 20 năm không lãi suất, chỉ tính phí dịch vụ (tương đương 0,75%/năm). FIRST kéo dài 5 năm, đến tháng 6/2019 với ba hợp phần: Hỗ trợ cơ sở hoạch định và thí điểm chính sách KH&CN; Hỗ trợ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và tăng cường liên kết doanh nghiệp với cộng đồng KH&CN; Nghiên cứu một số chính sách có liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo (IPP): Giai đoạn 1 của dự án IPP (2009 - 2014) với tổng kinh phí 7,19 triệu Euro đã đạt được những kết quả tốt. Trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Phần Lan chiếm 89%. IPP được phía Phần Lan đánh giá cao và được xem là một trong những dự án trọng điểm của nước này để hỗ trợ Việt Nam. Chương trình IPP giai đoạn 2 được thực hiện trong 4 năm (2014 - 2018) do Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản. Trong tổng số vốn đầu tư thì phía Phần Lan sẽ viện trợ không hoàn lại 9,9 triệu Euro; còn lại 1,1 triệu Euro là vốn đối ứng của Việt Nam. Mục tiêu chính của IPP giai đoạn 2 là tập trung hỗ trợ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ; tăng cường đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, phát triển các sản phẩm cấp vùng; hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn đổi mới công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp... Giai đoạn này sẽ góp phần cùng với nỗ lực của Bộ trong việc tiếp tục đổi mới để tạo ra những đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ; tạo điều kiện gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, từ đó có những sản phẩm mang giá trị hàm lượng khoa học cao. Dự án quốc gia về sở hữu trí tuệ giữa EC và các nước ASEAN (Chương trình ECAP). ECAP với mục đích giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo hộ và thúc đẩy các hoạt động sáng kiến, sáng tạo của Việt Nam cũng như tăng cường đầu tư và thương mại với nước ngoài. ECAP tập trung vào các hoạt động liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao hiểu biết của công chúng về sở hữu trí tuệ. Tiếp theo các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Chương trình ECAP I và ECAP II), EU đã chính thức phê duyệt “Dự án tài trợ cho ASEAN về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” (Dự án ECAP III), được triển khai trong giai đoạn 2010 – 2013. Dự án ECAP III tập trung vào: Xây dựng năng lực và hợp tác khu vực về thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Xây dựng pháp luật và quản lý về sở hữu trí tuệ; Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển kinh tế và hội nhập khu vực; Giáo dục và đào tạo sở hữu trí tuệ; Xây dựng năng lực cho Ban thư ký ASEAN. Bảo Chi
|