Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tại Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chiều 25/11/2015 (tức đêm cùng ngày ở Việt Nam), tại Berlin, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng các quan chức cấp cao của hai nước Đức và Việt Nam đã chứng kiến lễ ký 6 văn kiện hợp tác bao gồm: Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập; Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác KH&CN; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ký kết với Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Hợp đồng dịch vụ kỹ thuật giữa VietJet với Tập đoàn Lufthansa về động cơ máy bay A320.
Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác KH&CN do Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Nguyễn Quân ký với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank - Walter Steinmeier và Quốc Vụ khanh Bộ trưởng Giáo dục và nghiên cứu Đức Georg Schuette.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Nguyễn Quân trao đổi Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác KH&CN với
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank - Walter Steinmeier và Quốc Vụ khanh Bộ trưởng Giáo dục và nghiên cứu Đức Georg Schuette
Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển ngay sau lễ ký, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta ký hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ với CHLB Đức. Trước đây, ở thập kỷ 90 chúng ta mới có thoả thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ. Có thể nói rằng, suốt 20 năm qua, chúng ta có nhiều hoạt động hợp tác với Đức có hiệu quả. Đặc biệt, Đức có hẳn một chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ với Việt Nam trong 10 năm gần đây, trong đó có triển khai nhiều dự án với sự đóng góp kinh phí của các bộ, ngành, viện nghiên cứu của Đức, triển khai nhiều dự án có ý nghĩa thiết thực với KH&CN của Việt Nam”.
Giải thích lý do ký hiệp định hợp tác KH&CN với CHLB Đức, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm: “Trước những nhu cầu hợp tác chiến lược, đặc biệt là Việt Nam sắp ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, cả hai nước đều thấy cần nâng hợp tác về KH&CN lên tầm cao mới và vì vậy thoả thuận xây dựng hiệp định cấp chính phủ. Chúng tôi hy vọng đây là một căn cứ pháp lý quan trọng, trong thời tới các nhà khoa học, tổ chức KH&CN hai nước sẽ hợp tác hiệu quả và thiết thực hơn”.
Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển
|