|
|||
Đến dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESSCO – bà Mechtild Rosseler; Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội – bà Katherine Muller Marine và đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ sự vui mừng khi đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia buổi lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức UNESCO vào đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định "UNESCO là một tổ chức uy tín cao, có đông đảo thành viên và có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực hoạt động chính của mình là giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin và truyền thông. Việc bảo tồn di sản của nhân loại bằng các danh hiệu cao quý và đề cao sự đa dạng về văn hóa giúp cho mỗi người chúng ta hiểu biết hơn, tự hào hơn về bản sắc, đất nước của mình, đồng thời cũng hiểu biết hơn về các dân tộc khác. UNESCO được đánh giá cao bởi sự hỗ trợ với nhiều hình thức cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học, chính vì vậy UNESCO còn được vinh danh là tổ chức trí tuệ của thế giới". Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, UNESCO đã khẳng định được vai trò không thể thay thế - là một tổ chức hợp tác trí tuệ liên chính phủ lớn nhất trong hệ thống của Liên Hợp Quốc. UNESCO đã góp phần to lớn vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một quốc gia thành viên, triển khai hiệu quả các sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO, đảm nhận các trọng trách tại cơ quan lãnh đạo và chuyên môn của UNESCO. Trong cuộc họp Hội đồng UNESCO lần thứ 38 vừa kết thúc, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2015 – 2019. Đại Hội đồng UNESCO cũng đã công nhận 02 Trung tâm Quốc tế về Toán học, Vật lý của Việt Nam là Trung tâm dạng 2. Việc thànhlập 2 Trung tâm sẽ giúp nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam, đưa nền KH&CN Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Điều này cũng góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, hình thành những tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới, đồng thời thực hiện mục tiêu đưa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thành một trong những tổ chức khoa học hàng đầu ASEAN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phạm Công Tạc đón tiếp các đại biểu quốc tế. Đây là công nhận của quốc tế đối với trí tuệ Việt Nam bên cạnh những công nhận về di sản thiên nhiên, văn hóa, đồng thời khẳng định trách nhiệm cao của Việt Nam đóng góp cho nền khoa học cơ bản của khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng chúc mừng lãnh đạo và nhân dân Thủ đô Hà Nội vì danh hiệu cao quý - Di sản Văn hóa thế giới - mà UNESCO trao tặng cho Hoàng thành Thăng Long, coi đó là niềm tự hào chung của cả đất nước. Cùng với danh hiệu này, những danh hiệu mà UNESCO trao tặng cho Hà Nội mang ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ riêng Thủ đô, mà là với cả nước, như danh hiệu Thành phố vì hòa bình, danh hiệu Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đối với Lễ hội Gióng, Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới đối với hệ thống bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám... Tại buổi Lễ,Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho bà Katherine - Muller Marine - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội. Hoàng Anh- Ngũ Hiệp
|