Bản in
Tuần lễ các sự kiện KHCN về công nghệ Nano
Từ ngày 9/11- 16/11 sẽ diễn ra tuần lễ các sự kiện Khoa học Công nghệ do Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano (LNT) - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh tổ chức. Chuỗi các sự kiện sẽ được diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vũng Tàu

Tuần lễ bao gồm các chuỗi sự kiện: Lớp Chuyên đề Công nghệ Micro-Nano lần thứ 12; Hội nghị Quốc tế lần thứ năm về Công nghệ Nano và Ứng dụng (The 5th International Workshop on Nanotechnology and Application -IWNA 2015); Hội thảo Ứng dụng Công nghệ Nano trong Nông nghiệp lần thứ 3 (The 3rd Workshop on Applications of Nanotechnology in Agriculture - WANA 2015)  với chủ đề: Ứng dụng Sản phẩm Công nghệ cao trong Nuôi trồng Thủy Sản;

Theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc tế đã được ký giữa Đại học Quốc gia TP. HCM (VNUHCM)/ Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano (LNT) với CEA-LETI/ MINATEC (Cộng hòa Pháp), từ năm 2004 đến nay đã có 11 lớp chuyên đề về Công nghệ Micro-Nano (MINATEC) được tổ chức với sự tham gia với trên 1.000 học viên. Hàng năm phía đối tác Pháp cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam báo cáo Chuyên đề về Công nghệ Micro-Nano cho các Cán bộ giảng dạy, Nghiên cứu viên, Sinh viên Đại học và Sau Đại học của các Trường Thành viên trong VNUHCM và các đơn vị ngoài VNUHCM. Các học viên tham gia đầy đủ các chuyên đề sẽ được CEA-LETI-MINATEC và LNT cấp Chứng chỉ.

Năm nay MINATEC 2015 sẽ diễn ra từ ngày 09/11/2015 đến ngày 11/11/2015 với sự tham gia của 06 chuyên gia Pháp đến từ CEA/LETI-MINATEC và 01 giáo sư thuộc Đại học Delft, Hà Lan. MINATEC 2015 là sự kiện đầu tiên diễn ra trong tuần lễ các sự kiện khoa học do LNT tổ chức (09/11/2015 - 16/11/2015). Hiện thời đã có hơn 100 học viên đăng ký tham dự MINATEC 2015.

Lớp chuyên đề về Công nghệ Micro-Nano này mang đến cho học viên tham dự những kiến thức hữu ích về Công nghệ Micro-Nano do các chuyên gia quốc tế giảng dạy bao gồm vật liệu nano và linh kiện nano và các ứng dụng của chúng trong khoa học đời sống, ví dụ như vi mạch điện tử, cảm biến sinh học, cảm biến điện hóa phân tích chất lượng nước... Bên cạnh đó, đây cũng là môi trường thuận lợi để trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới thuộc lãnh vực này.

Sự kiện tiếp theo sau Lớp Chuyên đề Công nghệ Micro-Nano lần thứ 12 là Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về Công nghệ Nano và Ứng dụng (IWNA 2015).

Hội nghị về Công nghệ Nano và Ứng dụng (IWNA) được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2007 tại Vũng Tàu, Việt Nam. Tiếp theo thành công của Hội nghị IWNA 2007, Hội nghị Quốc tế IWNA lần thứ hai, lần thứ ba và lần thứ tư (IWNA 2009, IWNA 2011, IWNA 2013) cũng đã được tổ chức thành công, tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.

Hội nghị IWNA đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều các nhà khoa học đến từ các Trường, Viện nghiên cứu, Phòng thí nghiệm và các công ty trên thế giới. Mỗi kỳ Hội nghị IWNA tiếp đón khoảng 300 khách tham dự (trong đó có khoảng 100 khách quốc tế đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ) với 200-250 bài báo cáo khoa học được trình bày. Nội dung các báo cáo khoa học bao gồm tất cả những vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực Công nghệ Nano từ nghiên cứu cơ bản đến các nghiên cứu về vật liệu nano, chế tạo vi linh kiện nano cũng như các ứng dụng của chúng trong khoa học đời sống. Đã có 35 bài báo của IWNA 2013 được lựa chọn để gửi đến Tạp chí thuộc danh mục ISI “International Journal of Nanotechnology (IJNT)” và 15 bài báo được gửi đến Tạp chí “Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology (ANSN)” xuất bản bởi báo điện tử IOP của Anh.

Tiếp theo thành công của bốn lần Hội nghị, IWNA 2015 năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 11- 14/11 năm 2015 tại Vũng Tàu. IWNA 2015 được đồng tổ chức bởi VNUHCM- PLNT và CEA-LETI-MINATEC, Cộng hòa Pháp. Hội nghị cũng nhận được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và nhiều tổ chức quốc tế khác.

IWNA 2015 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi kiến thức khoa học thuộc lĩnh vực Công nghệ Nano. Hơn nữa, IWNA 2015 sẽ tạo ra một diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực Công nghệ Nano và các công ty có nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng lĩnh vực này. Hội nghị cũng nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các quốc gia và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ nano và ứng dụng.

Bên cạnh đó, trong chuỗi hoạt động khoa học nhằm phổ biến những ứng dụng của Công nghệ Nano, LNT tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Nano trong Nông nghiệp” (Workshop on Applications of Nanotechnology in Agriculture - WANA) lần thứ 03 vào ngày 16/11/2015 tại Bến Tre với chủ đề “Ứng dụng Sản phẩm Công nghệ cao trong Nuôi trồng Thủy Sản” ( Hội thảo WANA được LNT tổ chức thường niên với mục đích giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu của LNT và các đối tác chiến lược của LNT có khả năng triển khai các nghiên cứu ứng dụng thực tế, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng.

Tiếp tục những thành tựu đã đạt được trong các năm qua, từ năm 2013 đến năm 2015, LNT đã tập trung vào các nghiên cứu có khả năng triển khai thực tế, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng. Trên cơ sở đó LNT hợp tác với Đại học Kyushu (Nhật Bản) thực hiện Dự án SATREPS sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency - JICA) tài trợ “Nghiên cứu xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi thành năng lượng điện thông qua pin nhiên liệu rắn thế hệ mới - góp phần phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”. Dự án được thực hiện trong 05 năm (2015-2020) và được Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tài trợ trong năm tài khóa 2015.

Nhằm giới thiệu và quảng bá rộng rãi các sản phẩm nghiên cứu của dự án SATREPS và hệ thống cảm biến đo đạc các các thông số môi trường nước ao nuôi tôm/cá đến các công ty, doanh nghiệp và nông dân tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Hội thảo WANA 2015 năm nay được tổ chức tại TP. Bến Tre với sự tài trợ của JICA, kết hợp với Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản và Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tin: Minh Châu
Ảnh: Thiện An