Bản in
Hàn Quốc bứt phá nhờ đầu tư mạnh cho khoa học
Sự quan tâm, hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ (KH&CN) với những chính sách đặc thù nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài... đã góp phần tích cực vào việc giúp Hàn Quốc trở thành nước có nền kinh tế phát triển. Giáo sư Ju - Ho Lee, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và KH&CN Hàn Quốc đã chia sẻ về những vấn đề này trong chương trình Đối thoại chính sách Kinh nghiệm của Hàn Quốc về cơ chế tài chính cho KH&CN và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, do Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ KH&CN, Ngân hàng Thế giới vừa phối hợp thực hiện.

Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

- Thưa Ông, rất nhiều người đã nói về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc trong suốt những năm qua. Vậy có nói quá hay không khi khẳng định rằng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không được như ngày hôm nay nếu như cách đây 50 năm Hàn Quốc không đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN mà đặc biệt là Viện KIST?

- Hàn Quốc đã tăng trưởng rất tốt về kinh tế, nguồn nhân lực, dân chủ cũng như KH&CN trong 50 năm qua. Chính nhờ KHCN mà Hàn Quốc đã duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế rất ổn định trong nhiều thập kỷ. Đối với mỗi quốc gia, khi đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình, chúng ta cần cân nhắc rất cẩn thận về việc đầu tư cho KHCN. Đặc biệt là những năm gần đây, có rất nhiều quốc gia đã bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, GDP tính theo đầu người ở mức 5.000 USD, 6.000 USD nhưng sau đó cứ giậm chân tại chỗ quanh ngưỡng thu nhập này.

Rất nhiều nhà khoa học cũng như nhà nghiên cứu đã nói rằng Viện Nghiên cứu khoa học (KIST) có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế Hàn Quốc. Viện KIST được thành lập năm 1966 khi Hàn Quốc còn là một quốc gia rất nghèo khó. Chính phủ Hàn Quốc ngay từ thời điểm đó đã nghĩ đến việc thành lập một viện nghiên cứu KHCN và mời các nhà nghiên cứu giỏi nhất tham gia làm việc tại Viện. Có lẽ nếu không có KIST thì tốc độ phát triển nền kinh tế cũng như KHCN của Hàn Quốc đã không được như ngày hôm nay.

- Rõ ràng chúng ta đều thống nhất KIST không thể có sự phát triển như ngày hôm nay nếu như không có cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc thời kỳ đó. Được biết Quốc hội Hàn Quốc đã ra hẳn một đạo luật dành riêng cho KIST - đó là điều chưa có tiền lệ. Vậy đối với Việt Nam, đâu sẽ là điều kiện cơ bản để V-KIST có thể phát triển, một đạo luật, sự hỗ trợ, cam kết của Chính phủ hay một cơ chế tài chính đặc thù, thưa Ông?

- Quốc hội Hàn Quốc đã có một đạo luật dành riêng cho Viện KIST từ năm 1966. Viện KIST đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ Chính phủ cũng như lãnh đạo chính trị Quốc gia. Tổng thống Park Chung Hee cũng thường đến thăm Viện KIST để nói về công nghệ với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Và chính Tổng thống đã chia sẻ với người dân việc ông đã coi trọng Viện KIST như thế nào.


Nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm mở SEM của KIST

Còn đối với Việt Nam, tôi nghĩ định hướng của các bạn hiện nay để phát triển V-KIST là rất đúng và chúng tôi mong muốn cũng như hy vọng Lãnh đạo nhà nước sẽ ủng hộ ý tưởng và hướng đi này. Chúng tôi thấy rất thú vị khi nghe về việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học và các viện nghiên cứu ở Việt Nam. Để vươn đến tầm của các viện nghiên cứu trên thế giới, V-KIST cần phải được trao một cơ chế tự chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và không bị bó buộc bởi một cơ chế quan liêu nào.

- Hiện ở Việt Nam, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đầu tư cho KHCN và bắt tay với các viện nghiên cứu. Vậy theo Ông, làm thế nào để Việt Nam vượt qua những rào cản hiện tại?

- Về phía Hàn Quốc, đã từng có thời kỳ các nhà khoa học làm việc ở viện nghiên cứu của nhà nước không chịu hợp tác với các nhà nghiên cứu làm việc tại doanh nghiệp. Thế nhưng, chúng tôi đã đưa ra cơ chế hợp tác có sự phân công, tức là các nhà nghiên cứu làm việc tại doanh nghiệp tập trung vào giai đoạn ứng dụng, còn các nhà nghiên cứu làm việc tại viện nghiên cứu nhà nước tập trung vào giai đoạn ban đầu, giai đoạn nghiên cứu cơ bản. Còn Viện KIST sẽ đóng vai trò kết nối giữa các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu nhà nước, trường đại học với các nhà nghiên cứu tại các doanh nghiệp.

Như vậy, vấn đề mấu chốt là chúng ta phải kết nối được 3 bên. Thông qua các loại hình, mô hình nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau tốt hơn.

Không có người tài sẽ không có viện nghiên cứu tầm quốc tế

- Để phát triển thành công KHCN không chỉ có sự đầu tư của nhà nước, nguồn vốn ngoài xã hội mà một yếu tố quan trọng nữa là chất lượng nguồn nhân lực. Giáo sư có thể chia sẻ về những cơ chế thu hút người tài những ngày đầu KIST đã áp dụng?


- Viện KIST thành lập năm 1966 và ngay tại thời điểm đó chúng tôi đã mời các nhà nghiên cứu giỏi nhất tham gia làm việc tại Viện. Họ được trả mức lương cao gấp 3 lần so với các giáo sư đại học thông thường. Ngoài lương còn có các phúc lợi khác như nhà ở, phương tiện đi lại… Với phương pháp thu hút như thế, Chính phủ đã mời được các nhà khoa học giỏi nhất đến làm việc tại KIST. Tuy nhiên, phải đến năm 1990, chúng tôi mới thấy được rõ những thành quả của Viện KIST.

Với việc thành lập Viện V-KIST tại Việt Nam, sẽ phải mất nhiều năm sau đó chúng ta mới nhìn thấy rõ hiệu quả chứ đừng mong lợi nhuận hay kết quả sẽ đến ngay lập tức. Điều quan trọng là Việt Nam phải có tầm nhìn xa. Điểm bắt đầu bao giờ cũng là cố gắng thu hút những nhà khoa học giỏi nhất, chất lượng tốt nhất vào V-KIST. Không có người tài, không có lực lượng lao động giỏi, chúng ta không thể có được viện nghiên cứu tầm quốc tế. Một điểm quan trọng nữa là phải thấy được vai trò hạt nhân, vai trò người đi đầu. Khi đã có người dẫn đường và mô hình tốt như Viện V- KIST, tôi nghĩ các viện khác sẽ đi theo mô hình này.

- Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ngân sách nhà nước không nhiều, nguồn lực từ doanh nghiệp còn hạn chế, Ông có khuyến nghị gì đối với chính phủ và doanh nghiệp để giúp nền KHCN Việt Nam phát triển?


- Theo kinh nghiệm Hàn Quốc, từ những năm 80 trở đi, các doanh nghiệp khu vực tư nhân đã đầu tư rất mạnh cho KHCN và nghiên cứu phát triển do chịu sức ép cạnh tranh của thị trường, đặc biệt từ doanh nghiệp của Trung Quốc. Tại thời điểm đó, lao động ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều so với lao động ở Hàn Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp của Hàn Quốc chỉ còn cách đầu tư mạnh vào KHCN để tăng năng suất lao động nhằm tạo ra các sản phẩm rẻ, có sức cạnh tranh lớn. Sức mạnh và sức ép của thị trường sẽ tạo động lực rất lớn để doanh nghiệp đầu tư vào KHCN. Song, quan trọng hơn là Chính phủ phải tạo đà cho phát triển KHCN. Trước khi KHCN có thể cất cánh thì giai đoạn đầu nhà nước phải đầu tư và cung cấp môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Trong thời gian tới, có lẽ các nhà khoa học, doanh nghiệp và các ngành sẽ đưa ra nhiều đề tài, yêu cầu nghiên cứu của mình tới Viện V-KIST. Nếu làm tốt, chính Viện V-KIST có thể tạo ra động lực để thành lập doanh nghiệp mới, những lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam.

Viện KH - CN Hàn Quốc (Korea Institute of Science and Technology - KIST) là 1 trong 10 cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới, được thành lập vào năm 1966 tại Seoul. Viện được thành lập và hoạt động mạnh mẽ ngay từ những năm đầu tiên nhờ có đạo luật riêng với cơ chế đặc thù giúp thu hút lực lượng lớn nhà khoa học giỏi từ các quốc gia phát triển trở về làm việc.

        Với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng tới một xã hội phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại, Viện đã tiến hành nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc. Những nghiên cứu của KIST đã đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, giúp nước này trở thành con rồng châu Á với tốc độ tăng trưởng GDP tăng hơn 300 lần trong gần 50 năm.