Nước này đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị và sớm thực hiện thử nghiệm biện pháp gây tranh cãi là thả muỗi được biến đổi gen trong phòng thí nghiệm vào môi trường sống tự nhiên để kiểm tra khả năng tồn tại của chúng trong điều kiện tự nhiên.
Chương trình trên đã được Ủy ban an toàn sinh học quốc gia Malaysia phê chuẩn hôm 10/10. Muỗi biến đổi gen có tên gọi OX513A, do Viện nghiên cứu y học Malaysia (IMR) và Công ty sinh học Oxitec có trụ sở tại Anh phối hợp thí nghiệm nhằm kiểm soát loại virus gây sốt xuất huyết mà muỗi là thủ phạm làm lây lan.
Trong hai tháng tới, IMR sẽ thả khoảng từ 4.000-6.000 con muỗi đực được biến đổi gen để chúng giao phối với muỗi cái bình thường sinh ra các ấu trùng đặc biệt có thêm một loại enzim tích tụ nhiều tới mức trở thành độc hại và tiêu diệt chúng.
Các nhà khoa học hy vọng với phương pháp này, lượng muỗi gây bệnh sẽ giảm mạnh tại các khu vực hay xảy ra dịch sốt xuất huyết.
Theo chương trình thí điểm, muỗi biến đổi gen sẽ được thả tại khu vực Bentong thuộc bang Pahang và Alor Gajan, Malacca thuộc bang Malacca.
Mỗi địa điểm sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn: giai đoạn đầu thả muỗi tại một khu vực cách nơi dân cư sinh sống khoảng từ 0,5-1km, giai đoạn hai ngay trong khu dân cư.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Liow Tiong Lai, Chính phủ nước này coi chương trình thí điểm muỗi biến đổi gen này là một trong những cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất loại trừ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết khỏi môi trường.
Bệnh sốt xuất huyết phổ biến ở châu Á và khu vực Mỹ Latin. Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt cao, đau nhức người và buồn nôn, nhiều trường hợp có thể xuất huyết bên trong, to gan, ngừng lưu thông máu và tử vong.
Hiện thế giới chưa bào chế được thuốc chữa trị hay vắcxin phòng chống sốt xuất huyết.
Tại Malaysia, trong 10 tháng đầu năm nay đã có 37.000 ca nhiễm sốt xuất huyết, trong đó có 117 trường hợp tử vong, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 năm qua, số các ca nhiễm sốt xuất huyết trên thế giới đã tăng gấp đôi./.
(TTXVN/Vietnam+) |