Bản in
Mô hình V-KIST: Thêm ưu đãi cho hoạt động khoa học
Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã hoàn thành dự thảo chi tiết về Đề án thành lập Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) với những cơ chế ưu đãi đặc biệt đầu tiên được áp dụng. Xung quanh dự thảo này, phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân.

Xin Bộ trưởng cho biết lý do Việt Nam chọn Hàn Quốc và Viện KIST (Korea Institute of Sicence and Technology) của nước bạn làm mô hình để tham khảo học tập mà không phải là viện nghiên cứu của một quốc gia tiên tiến khác?

Chúng ta chọn mô hình của Hàn Quốc bởi ba lý do chính: Trình độ phát triển của Hàn Quốc so với Việt Nam không có khoảng cách quá lớn; hoàn cảnh, văn hóa, tập quán của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam; quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đang trong giai đoạn hết sức tốt đẹp. Sự quan tâm của giới doanh nghiệp, giới khoa học Hàn Quốc đối với Việt Nam cũng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn so với việc hợp tác với các quốc gia khác.

Ngoài ra, qua theo dõi sự phát triển của Viện KIST trong gần 50 năm qua, chúng tôi nhận thấy mô hình này rất phù hợp để các viện nghiên cứu của Việt Nam học hỏi từ xuất phát điểm cho đến phương thức tổ chức hoạt động.

Được biết, nhiều quy định chưa từng có trong tiền lệ của nền KHCN Việt Nam sẽ được áp dụng ở V-KIST như trả lương cao, người thân của nhà khoa học được hưởng trợ cấp, miễn các loại thuế, phí…. Theo Bộ trưởng, vì sao lại có sự ưu đãi lớn như vậy?

Ở Việt Nam chưa có tiền lệ một quy định hay những điều luật với sự ưu đãi đặc biệt cho một tổ chức KHCN, nhưng nếu chúng ta không tạo ra tiền lệ, không có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì không thể vượt qua khuôn khổ của một tổ chức KHCN bình thường. 

Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc sẽ được trao quyền tự chủ cao nhất và chính sách ưu đãi đặc biệt bởi chúng tôi coi V-KIST là nơi thí điểm các cơ chế, chính sách mới. Chúng tôi muốn xây dựng một viện nghiên cứu với tư duy quản lý hoàn toàn mới theo nề nếp và phương thức quản lý của các nước phát triển.

Khi những cơ chế mới áp dụng ở V-KIST phát huy hiệu quả, chúng tôi sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ biến những cơ chế ưu đãi đặc biệt thành những cơ chế đại trà để toàn bộ các tổ chức KHCN ở Việt Nam sẽ được hưởng. Qua đó có thể phát huy tối đa hoạt động KHCN cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội. 

Nhưng để V-KIST có thể thành công, Bộ KHCN đã tính đến tất cả các yếu tố chưa, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đã đánh giá 3 yếu tố dẫn đến thành công của Viện KIST, đó là: Có Tổng thống Hàn Quốc đỡ đầu trực tiếp, có một đạo luật riêng và có một đội ngũ khoa học chủ yếu từ các quốc gia phát triển trở về.

Đối với V-KIST, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đỡ đầu cho viện thông qua chỉ đạo trực tiếp. Nếu như sau này có thành lập một ban chỉ đạo Viện V-KIST thì Thủ tướng Chính phủ sẽ nhận lời làm Trưởng ban chỉ đạo.

Về yếu tố thứ hai, Quốc hội đã đồng ý về mặt nguyên tắc là có một đạo luật dưới dạng Nghị quyết của Quốc hội nhưng với phạm vi mở rộng hơn không chỉ riêng cho V-KIST mà áp dụng cho các viện nghiên cứu theo các mô hình tiên tiến thế giới. Hiện Bộ KHCN đang xây dựng dự thảo nghị quyết về cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu KHCN đặc biệt.

Yếu tố thứ ba, chúng tôi đã thông báo cho các cơ quan đại diện của Bộ KHCN ở nước ngoài tìm kiếm và thiết lập một cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có những vị trí quan trọng và có những đóng góp cho các nước sở tại, lập danh sách một số nhà khoa học ở nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam và sẵn sàng đóng góp cho Việt Nam.

Khi Viện V-KIST được thành lập chính thức, chúng tôi sẽ có thư mời các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả thế hệ trẻ và thế hệ đã có kinh nghiệm, cũng như mời một số nhà khoa học nước ngoài giúp cho Viện V-KIST trong thời gian đầu.

Bộ trưởng có thể dự báo tác động từ sự ra đời của V-KIST?

Nếu chúng ta có được một viện nghiên cứu như Viện KIST Hàn Quốc thì quả thực tác động của nó đối với nền kinh tế sẽ rất to lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lường trước được bối cảnh kinh tế xã hội của nước ta hiện nay cũng như với những đặc thù của xã hội Việt Nam thì một viện nghiên cứu rất khó đạt được tầm như Viện KIST Hàn Quốc. Nhưng có thể khẳng định, nếu mô hình V-KIST thành công với những cơ chế đặc biệt được Chính phủ và Quốc hội cho phép chắc chắn sẽ có những đóng góp rất quan trọng không chỉ cho phát triển KHCN mà còn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Nếu nước ta muốn trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại sau năm 2020, chúng ta phải có hệ thống tổ chức KHCN mạnh, trong đó phải có những viện nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, có những sản phẩm khoa học đóng góp cho nền kinh tế mang tính đột phá và trở thành sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo lộ trình đặt ra, năm 2015 sẽ thành lập Viện V-KIST, năm 2017 hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và khai trương trụ sở viện tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngân sách thành lập V-KIST khoảng 70 triệu USD gồm 35 triệu USD vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc và 730 tỷ đồng đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.