Bản in
Truyền thông KHCN: nhìn từ Malaysia và Singapore
KH&CN và đổi mới sáng tạo phải là chính sách lõi cho tất cả các bộ ngành và một quốc gia sẽ không thể là quốc gia phát triển nếu như không có KH&CN- đó là khẳng định của đại diện Bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo của Malaysia và Singapore trong chuyến thăm và làm việc với đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN- Bộ KH&CN Việt Nam

 

Hiệu quả từ mô hình Trung tâm khoa học

Có dịp đến thăm quốc gia Singapore và Trung tâm Khoa học Singapore (Science Centre Singapore), mới thấy rằng, để có thể phát triển đất nước dựa vào KH&CN thì điều quan trọng là phải xây dựng được tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ.

Trung tâm Khoa học Singapore được thành lập từ năm 1977. Sau 37 năm hoạt động Trung tâm đã có thêm nhiều dự án, trong đó có một toà nhà dành riêng cho trẻ em mới được xây dựng có khu vườn sinh thái. Ngoài ra có khu thành phố tuyết có các khu trượt tuyết nhân tạo,…Toàn bộ kinh phí hoạt động của Trung tâm được Chính phủ bao cấp, do đó Trung tâm luôn tập trung cho việc giảng dạy, tuyên truyền để xã hội đặc biệt là giới trẻ hiểu được vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước. 

GS.TS Lim Tit Meng - Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học Singapore cho biết: Mỗi công trình ở đây được chúng tôi bố trí phù hợp với từng lứa tuổi khác nhau. Tất cả tạo nên tổng thể hấp dẫn, thu hút khoảng 1 triệu khách tham quan mỗi năm. Trong đó khoảng 250.000 người là đối tượng trẻ em, học sinh.

Đến với Trung tâm Khoa học Singapore, các em học sinh sẽ được tìm hiểu tất cả những vấn đề liên quan đến cơ thể con người, những hiện tượng tự nhiên như sóng thần, lốc xoáy, quả cầu sét, bão lửa,… hay vui hơn là tìm hiểu những vấn đề về âm thanh, người máy,... 

Ngoài những hoạt động trình diễn, triển lãm chính, hàng năm, Trung tâm Khoa học Singapore dưới sự bảo trợ của Chính phủ tổ chức một lễ hội quốc gia về KH&CN, với những chủ đề khác nhau theo từng năm. Năm nay, chủ đề của lễ hội rất hấp dẫn là “một nhà khoa học cũng có thể nổi tiếng như một ngôi sao nhạc rock”. Thông điệp đưa ra với giới trẻ rất rõ ràng, không chỉ có các ca sĩ, diễn viên mới là những người nổi tiếng, mà một nhà khoa học xuất sắc cũng có thể toả sáng. 

Ngoài ra, để quảng bá về KH&CN, Trung tâm còn thiết kế những triển lãm với quy mô nhỏ hơn tại các khu trung tâm thương mại, công viên, sở thú, …, kết hợp tổ chức những buổi hội thảo, đưa KH&CN đến gần hơn với người dân. 

Đoàn công tác làm việc với Trung tâm Khoa học Quốc gia

Ông Lim Tit Meng chia sẻ, tất cả những hoạt động của Trung tâm đều hướng đến một mục tiêu là kết nối càng nhiều người càng tốt với KH&CN. Qua đó, gửi đi thông điệp “Nếu như không có KH&CN, sẽ không có một đất nước Singapore phát triển như ngày hôm nay”.

Cùng với một mô hình tương tự, có mặt tại khu vực khám phá khoa học dành cho trẻ em ở Trung tâm Khoa học Quốc gia Malaysia, có thể nhận thấy sự hứng thú của các em khi tìm hiểu từ những khái niệm khoa học đơn giản nhất cho đến những sản phẩm ứng dụng khoa học hiện đại. Khác biệt hoàn toàn với không khí học tập thụ động trên lớp.

Với bề dày hoạt động được gần 20 năm, có thể nói Trung tâm Khoa học Quốc gia Malaysia là một mô hình hoạt động thành công dựa trên nguồn ngân sách nhà nước. Trong tương lai gần sẽ có một trung tâm khoa học lớn thứ 2 được xây dựng tại thủ đô Kuala Lumpur và 2 Trung tâm nhỏ hơn tại các tỉnh khác nhau.

GS. TS Irmawati Ramli - Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc gia Malaysia chia sẻ: Kế hoạch lâu dài là sẽ xây dựng thêm 4 Trung tâm nữa ở phía Đông và phía Nam. Chúng tôi cần những Trung tâm khoa học này để đến được với người dân không thể đến được các Trung tâm hiện có, đặc biệt là người nghèo, để họ có thể đến tham quan bất cứ lúc nào.

Được thành lập với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng với KH&CN, bà Irmawati Ramli cho biết, các hoạt động khám phá của Trung tâm phải đảm bảo lồng ghép được hai yếu tố học và chơi, phải tạo ra được môi trường để các em vui chơi nhưng hữu ích và nhiều thông tin về KH&CN. Không chỉ các em nhỏ, mà tất cả các tầng lớp công chúng từ học sinh, sinh viên đến người dân thường, thậm chí, cả những người nghèo cũng là đối tượng mà Trung tâm Khoa học Quốc gia Malaysia hướng đến.

Bà Irmawati Ramli cho biết thêm: Điều quan trọng là đưa ra một sản phẩm đặc biệt, hoặc dưới dạng triển lãm hoặc dưới dạng chương trình hay hoạt động nào đó. Chúng tôi phải tổ chức các sự kiện, đặc biệt là trong kỳ nghỉ học hoặc ngày lễ để mọi người đến tham quan. Ví dụ như vào kỳ nghỉ tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức Lễ hội Khoa học với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan. Hay như chúng tôi tổ chức “Ngày Đại dương”, hoặc “Ngày Vũ trụ Malaysia” ở Trung tâm,... Chúng tôi luôn tổ chức các sự kiện thú vị để thu hút người dân tới đây, nhưng như thế là chưa đủ mà còn phải hợp tác với các cơ quan tư nhân và nhà nước để thu hút người dân hơn nữa đến với khoa học. 

Các em học sinh đang thăm quan các mô hình khoa học cụ thể tại Trung tâm

Chính sách và truyền thông – quyết định thành công

KH&CN và đổi mới sáng tạo phải là chính sách lõi cho tất cả các bộ ngành và một quốc gia sẽ không thể là quốc gia phát triển nếu như không có KH&CN- đó là khẳng định của đại diện Bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo của Malaysia và Singapore trong chuyến thăm và làm việc với đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN.

Những hiệu quả về hoạt động KH&CN của hai quốc gia Singapore và Malaysia trong nhiều năm qua là kết quả của việc Bộ KH&CN và đổi mới sáng tạo của hai nước đã triển khai quyết liệt các chính sách quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo. Ở Malaysia, chính sách quốc gia về KH&CN và đổi mới sáng tạo được đặt là chính sách lõi cho tất cả các bộ ngành khác cùng thực hiện. Do đó, Chính phủ Malaysia luôn quan tâm đầu tư cho KH&CN với mức đầu tư từ ngân sách nhà nước hàng năm chiếm khoảng 1,13% GDP và mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 2% GDP. Còn ở Singapore là sự đầu tư không hề nhỏ từ phía Chính phủ với 2,65% GDP và phấn đấu lên đến 3% trong những năm tới. 

Để thúc đẩy KH&CN phát triển, Chính phủ Malaysia đã đưa ra nhiều quyết sách như: tăng cường hoạt động các quỹ dành cho hoạt động KH&CN đặc biệt là huy động nguồn lực từ xã hội; tăng cường các dịch vụ KH&CN; tăng cường thương mại hóa sản phẩm là các kết quả nghiên cứu; tăng cường liên kết giữa khoa học xã hội và khoa học nhân văn; tăng lương cho nhà khoa học, tăng sức sáng tạo cho học sinh ở cấp phổ thông, tăng cường thu hút chất xám từ nước ngoài…

Lắng nghe nhu cầu của người dân, đánh giá mức độ hài lòng của công chúng về KH&CN, cập nhật các công nghệ mới đang phát triển trên thế giới một cách thường xuyên, triển khai quyết liệt các chính sách về KH&CN, đổi mới sáng tạo … là những “bí quyết” làm nên thành công trong công tác truyền thông khoa học ở hai quốc gia Malaysia và Singapore, để từ đó thu hút sự quan tâm của người dân với KH&CN, kết nối và hợp thành cộng đồng nghiên cứu, thúc đẩy sự sáng tạo, hướng đến mục tiêu cao nhất phát triển đất nước bằng KH&CN.

Bài, ảnh: Đăng Minh