|
|||
Các chuyên gia cho biết, gan được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể sẽ được sử dụng để chữa trị tổn thương gan gây ra do chấn thương, bệnh tật, nghiện rượu và cho phẫu thuật ghép gan nhân tạo trên cơ thể người trong vòng từ 5 đến 15 năm tới. Ngoài ra, gan nhân tạo cũng có thể được dùng để thử phản ứng của các loại thuốc mới. “Chúng tôi rất hài lòng về những thành công bước đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là giai đoạn đầu và chúng ta còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua trước khi áp dụng phương pháp này trong việc điều trị cho các bệnh nhân”, giáo sư Shay Soker, giám đốc dự án nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện điều trị phục hồi Wake Forest đã tiến hành nuôi cấy gan từ các tế bào gốc được lấy từ máu của dây rốn trẻ sơ sinh. Những tế bào gốc này được nuôi cấy trong môi trường collagen – chất có chức năng kết nối và định hình các tế bào sống – được lấy từ gan động vật. Sau một tuần được nuôi cấy trong điều kiện đặc biệt ở phòng thí nghiệm, các tế bào gốc đã bắt đầu phát triền thành những tế bào gan và thành một khối gan giống như cơ quan gan trong cơ thể người, nhưng có kích cỡ nhỏ hơn vì gan nhân tạo được nuôi cấy trong môi trường collagen lấy từ gan động vật. Bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ tiến hành cấy ghép gan nhân tạo này vào cơ thể động vật để kiểm tra xem chúng có hoạt động đầy đủ chức năng hay không. Nếu thành công, nhóm nghiêm cứu sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người.
Nghiên cứu trên được các nhà khoa học chuyên về gan đánh giá rất cao. “Những công nghệ như thế này rất cần thiết. Hiện tại, chúng ta đang rất thiếu gan để cấy ghép cho những người bị bệnh liên quan tới cơ quan này”, tiến sĩ Sarah Matthews, thuộc tổ chức Liver Trust (Anh), nói. (Theo Telegraph) |