"Lai lịch" một ngày hội
Năm 1991, để đánh dấu 10 năm Bộ Đại học và Nghiên cứu mở cửa khu vườn của mình cho công chúng vào tự do, Bộ trưởng Hubert Curien, cũng là một nhà vật lý lớn của nước Pháp, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) từ năm 1994-1996, quyết định tổ chức ngày hội “Vinh danh khoa học”. Năm 1992, ngày hội đầu tiên được tổ chức vào tháng Sáu và kéo dài ba ngày. Năm 1998, để thêm nhiều học sinh có cơ hội tham gia, Bộ trưởng Bộ Đại học và Nghiên cứu lúc bấy giờ là Claude Allegre đề nghị kéo dài ngày hội một tuần và đổi tên thành Tuần Khoa học. Từ năm 2000, ngày hội bắt đầu mang tên gọi như ngày nay, Fête de la Science, và cố định vào tháng 10 hoặc 11.
Được tổ chức trên toàn nước Pháp, đây là dịp để cộng đồng khoa học tăng cường sự tương tác với nhau và với công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên, thông qua các cuộc tham quan, triển lãm, trình diễn, thảo luận, thuyết trình… Con số các sự kiện được tổ chức mỗi năm lên đến hàng nghìn, bao trùm mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ... Ước tính mỗi năm có khoảng 7.000 nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, kỹ sư, nhà công nghệ tình nguyện tham gia làm hướng dẫn viên, diễn giả tại ngày hội…
Tùy theo từng năm mà Fête de la Science có thể mang một chủ đề nhất định, chẳng hạn năm 2009, ngày hội mang chủ đề “Nguồn gốc của sự sống và vũ trụ”, nhân kỷ niệm 400 năm lần đầu Galileo Galilei quan sát vũ trụ bằng kính thiên văn và 200 năm sinh của Charles Darwin. Còn năm nay, ngày hội diễn ra từ ngày 9 đến 13/10, với chủ đề “Từ vô cùng lớn đến vô cùng nhỏ”, gắn với sự kiện phát hiện hạt Higgs.
Trong khuôn khổ ngày hội, có các giải thưởng được trao cho cuốn sách giúp độc giả phổ thông hiểu rõ một tiến bộ khoa học và tác động của nó đối với thế giới; một sản phẩm giúp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi hiểu biết và yêu thích một vấn đề khoa học phù hợp với lứa tuổi; một nhóm nghiên cứu/phòng thí nghiệm/cá nhân có cách giải thích sáng tạo và hiệu quả về một công trình nghiên cứu cho công chúng rộng rãi.
Xã hội hóa triệt để
Ngày hội Khoa học là sáng kiến của Bộ Đại học và Nghiên cứu, nhưng làm nên nó có sự góp sức của toàn xã hội. Sự kiểm soát của Bộ chỉ thể hiện ở việc ấn định thời gian tổ chức và hình ảnh nhận diện. Về thời gian tổ chức, phải thuận tiện cho người tham dự, chẳng hạn không trùng ngày lễ, không trùng mùa đông hay mùa thi của học sinh. Về hình ảnh nhận diện, Bộ cung cấp riêng một bộ tài liệu, quy định kích thước và màu sắc cho các áp-phích, tờ rơi, sách mỏng, quầy hàng… để các đơn vị theo đó chủ động thiết kế, bảo đảm một nhận diện thống nhất về ngày hội trên toàn quốc.
“Không phải Bộ Đại học và Nghiên cứu đứng ra tổ chức tất cả các sự kiện mà phần lớn do các đơn vị như viện nghiên cứu, trường đại học, phòng thí nghiệm, bảo tàng, doanh nghiệp chủ động.”
Bà Perrine Danmanville, giám đốc truyền thông của Bộ Đại học và Nghiên cứu: Năm nay, trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra 2.500 sự kiện. “Không phải Bộ Đại học và Nghiên cứu đứng ra tổ chức tất cả các sự kiện mà phần lớn do các đơn vị như viện nghiên cứu, trường đại học, phòng thí nghiệm, bảo tàng, doanh nghiệp chủ động… Mỗi năm Bộ đều cố gắng cải tiến, làm mới ngày hội, nhưng chỉ bằng cách đưa ra định hướng và cách thức triển khai. Chủ đề chung cho ngày hội có thể có hoặc không, nhưng dù có cũng không mang tính áp đặt,” bà Perrine Danmanville, giám đốc truyền thông của Bộ, cho biết.
Nước Pháp chia thành tám vùng và các Cơ quan Nghiên cứu và Công nghệ vùng (DRRT) mới chính là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp và có thẩm quyền gắn mác Fête de la Science cho các sự kiện diễn ra trong ngày hội. Việc này giúp bảo đảm không phải đơn vị nào cũng có thể lấy danh nghĩa ngày hội để cung cấp những thông tin sai lệch, theo bà Danmanville.
Về mặt tài chính, Bộ Đại học và Nghiên cứu tài trợ tổng cộng 1 triệu euro cho ngày hội, trong đó 300 nghìn euro dành cho truyền thông, số còn lại dành cho các sự kiện đã được gắn mác ngày hội. Vì phải chia nhỏ nên khoản tài trợ mà mỗi sự kiện nhận được thành ra không đáng kể, chỉ đủ chi phí thuê địa điểm. Mặc dù các đơn vị tổ chức sự kiện còn có thể nhận hỗ trợ từ ngân sách của chính quyền địa phương, nhưng về cơ bản, họ phải chịu trách nhiệm trang trải chi phí - hoặc dùng ngân sách của bản thân, hoặc đi kêu gọi tài trợ… “Không thể ước lượng tổng số tiền cả nước chi cho ngày hội vì nó được huy động từ rất nhiều nguồn khác nhau, từ chính quyền địa phương, từ các nhà tài trợ, từ bản thân đơn vị tổ chức…” bà Danmanville kết luận.
Hẳn có người sẽ nghĩ, tham gia ngày hội như vậy khác nào “mua việc vào người” thế nhưng các đơn vị vẫn thích “mua việc” vì đây quả là dịp tốt để họ quảng bá hoạt động của mình. “Một mặt công chúng cần thông tin, mặt khác các đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp, cũng cần truyền thông về hoạt động của mình, nhất là về các vấn đề còn gây tranh cãi. Chẳng hạn, vấn đề rác thải năng lượng nguyên tử được công chúng hết sức quan tâm, nhưng khi đề cập vấn đề này, báo chí lại chỉ tập trung nói về mối nguy của nó mà không giải thích các khía cạnh khác như giới hạn của mối nguy, các biện pháp hoặc quy trình xử lý… để công chúng nắm đầy đủ,” bà Sylvane Cesademont, Chánh văn phòng Tổng vụ Nghiên cứu và Phát triển, Bộ Đại học và Nghiên cứu, nói. Được biết, năm nay, trong khuôn khổ ngày hội, 15 nhà máy điện hạt nhân, năm nhà máy thủy điện, và hai nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Pháp EDF đã trở thành địa điểm tham quan và triển lãm, giới thiệu các công nghệ mà nước Pháp đang sử dụng để làm ra điện cũng như lịch sử ngành điện lực thế giới và các nhà khoa học của nó.
Các bước thực hiện
Ngày hội mỗi năm chính thức được khởi động từ tháng Tư đến tháng Sáu, khi các Ban điều phối vùng gửi thư kêu gọi tham gia đến các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, phòng thí nghiệm, viện bảo tàng, doanh nghiệp... Thời gian này, các dự án sẽ được gửi về Ban điều phối vùng, thường được chỉ định ở một tổ chức khoa học, công nghệ, hoặc công nghiệp phi lợi nhuận. Từ tháng Bảy, sự kiện bắt đầu được truyền thông đến công chúng, thông qua website, áp-phich, tờ rơi… Cũng trong tháng Bảy, hội đồng tuyển chọn dự án được thành lập, bao gồm sáu thành viên, trong đó có ba nhà khoa học, một người từ chính quyền địa phương, một người từ tổ chức phi lợi nhuận chuyên về thúc đẩy khoa học, công nghệ và công nghiệp, và một người từ DRRT. Sau khi có danh sách các dự án được chọn, Ban điều phối vùng sẽ làm đề nghị gửi lên Bộ Đại học và Nghiên cứu xin kinh phí hỗ trợ. Thường là tháng 11, sau khi ngày hội kết thúc, Bộ mới chuyển khoản hỗ trợ để bảo đảm sự kiện diễn ra đúng như cam kết. Cuối cùng, các đơn vị làm báo cáo về công chúng (lứa tuổi; đến ngày hội cùng ai; cảm nhận và kỳ vọng; khả năng quay trở lại vào năm sau…), và chuyển lên Ban điều phối vùng để Ban tổng hợp và gửi về Bộ.
Theo ông Nguyễn Huy Bảo, các dự án nhỏ độc đáo và dễ dàng mang đi trình diễn ở các địa điểm khác nhau sẽ được ưu tiên lựa chọn. “Cũng có khi, nhiều chủ dự án liên kết với nhau để tạo ra những dự án lớn. Nếu được lựa chọn, dự án sẽ được quảng cáo trên các tờ báo phát hành miễn phí ở địa phương,” ông Nguyễn Huy Bảo cho biết thêm.
Khó mà nói có công nghệ tổ chức đặc biệt nào ở quy trình tổ chức Fête de la Science. “Chìa khóa quyết định thành công nằm ở chỗ có những người muốn làm.”, ông Nguyễn Huy Bảo nhấn mạnh. Ngoài ra, ông cho rằng, có ba nguyên tắc cần tuân thủ, đó là tất cả các sự kiện đều phải vào cửa miễn phí nhưng không được quá đông trong cùng một lthời điểm, đồng thời phải bảo đảm an toàn về vệ sinh và cháy nổ; có chất lượng khoa học cao, được thể hiện một cách lý thú và dễ tiếp nhận; được truyền thông rộng rãi đến mọi người dân, bất kể ngành nghề, tuổi tác.
Những gợi ý cho Việt Nam
Khi được biết Bộ KH&CN Việt Nam có ý định tổ chức Ngày hội Khoa học vào tháng 5/2014, các chuyên gia Pháp đã đưa ra một số gợi ý, mặc dù cũng có ý kiến cho rằng tổ chức ngày hội đầu tiên vào tháng Năm năm tới thì có phần vội vàng.
Bà Cesademont ở Bộ Đại học và Nghiên cứu chia sẻ, khoa học rất quan trọng đối với người dân. Điều tra cho thấy người Pháp tin tưởng nhà khoa học và cần nhà khoa học giải thích các hiện tượng xã hội, kinh tế, thế giới… nhưng cùng lúc, họ không tin rằng các nhà khoa học hoàn toàn độc lập và khách quan mà vẫn có sự ràng buộc nào đó khiến họ không giữ được sự trung dung, bởi vậy công chúng cần được gặp gỡ và đối thoại với nhà khoa học để hai bên hiểu nhau hơn và có thể trao đổi trực tiếp với nhau về những vấn đề chưa thống nhất ý kiến. Chiến lược Khoa học và Công nghệ của Pháp đến năm 2020 cũng coi truyền thông nâng cao nhận thức khoa học cho người dân, khơi dậy ham muốn làm khoa học, đặc biệt ở giới trẻ, là một nội dung quan trọng. Ngày hội Khoa học, theo bà, là một cách làm có thể giúp đạt tất cả những mục tiêu nói trên. “Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn thì nội dung ngày hội phải rất hấp dẫn, thậm chí mang tính giải trí cao. Bên cạnh đó, các trình diễn, trưng bày, trò chuyện khoa học… phải gắn với cuộc sống, cho người dân thấy khoa học ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ như thế nào,” bà nói.
Bà Cesademont nhấn mạnh, ngày hội phải bắt đầu từ nhà khoa học, những người bên cạnh công việc nghiên cứu, phát minh còn có trách nhiệm truyền đạt và giải thích cho công chúng về các vấn đề khoa học và công nghệ một cách dễ hiểu và lý thú. “May mắn là bao giờ cũng có những nhà khoa học nhiệt huyết thích tương tác với công chúng. Ngày hội Khoa học phải tìm ra bằng được những người như thế.” Bà Cesademont gợi ý, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có không ít nhà khoa học học tập ở Pháp và chắc chắn đã tham gia Fête de la Science, bởi vậy Bộ KH&CN Việt Nam nên tham khảo họ về cách thức tổ chức và mời họ trực tiếp tham gia ngày hội ở quê hương mình. “Tham gia ngày hội đông nhất là các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, nhưng gần đây số lượng các doanh nghiệp có bộ phận R&D tham gia ngày càng tăng bởi họ cũng muốn các công nghệ mới của mình được truyền thông rộng rãi.”
Ông Nguyễn Huy Bảo, Cơ quan Nghiên cứu và Công nghệ vùng (DRRT) Île-de-France thì cho rằng, đối với ngày hội đầu tiên, không thể đòi hỏi sự hoàn hảo, chỉ cốt sao năm sau tốt hơn năm trước là được, trong khi đồng nghiệp của ông ở DRRT Île-de-France nói: Trong năm đầu tiên, quan trọng nhất là tập hợp cộng đồng các nhà khoa học, kể cả nghiên cứu sinh vì họ cũng có thể có những ý tưởng tốt. “10 năm trước khi đang là nghiên cứu sinh về toán, tôi đã đóng góp cho ngày hội một ý tưởng trò chơi xuất phát từ đề tài nghiên cứu của mình và được chấp nhận. Bởi vậy rất nên đến các trường đại học, gặp gỡ các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên để tích lũy ý tưởng,” ông này nói.
Ông Nguyễn Huy Bảo cũng nêu một thực tế, các ngành khoa học xã hội không có nhiều cơ hội tham gia như các ngành khoa học tự nhiên, tuy nhiên chúng vẫn có thể kết hợp với nhau, như nhân chủng học kết hợp với sinh học, để tạo ra những chủ đề thú vị. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành giữa khoa học với nghệ thuật như văn học, kịch nghệ, âm nhạc… thường đem lại hiệu quả đặc biệt. “Tiềm năng của Ngày hội Khoa học rất lớn, thống kê đã chứng tỏ số người tham dự vẫn tăng chứ không giảm,” ông Nguyễn Huy Bảo lạc quan.
Các nguyên tắc của Ngày hội Khoa học:
● Tất cả các sự kiện đều phải vào cửa miễn phí
● Không được quá đông người trong cùng một lúc;
● Bảo đảm an toàn về vệ sinh và cháy nổ;
● Có chất lượng khoa học cao;
● Được thể hiện một cách lý thú và dễ tiếp nhận;
● Được truyền thông rộng rãi đến mọi người dân, bất kể ngành nghề, tuổi tác.
Trên đây là các bước tổ chức một Ngày hội Khoa học ở vùng do ông Nguyễn Huy Bảo, DRRT Île-de-France, mô tả.
|
|