|
|||
Tiềm năng lớn trong hợp tác Anh được đánh giá là nước có truyền thống phát triển dựa trên nền tảng KH&CN, đỉnh cao là cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18. Chính phủ Anh luôn dành tỷ lệ đầu tư đáng kể cho KH&CN (trung bình tổng đầu tư cho KH&CN chiếm khoảng 1,8% GDP, tương đương 47 tỉ USD). Hiện Anh là một trong những nước đứng đầu thế giới về nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực Việt Nam đang rất ưu tiên như công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y - dược; nghiên cứu một số bệnh truyền nhiễm, bệnh dịch ở người; năng lượng sinh học. Các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Anh có uy tín cao và đặc biệt có kinh nghiệm liên kết, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Anh cũng là địa điểm đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp KH&CN quốc tế. Ngoài ra, Anh còn có hệ thống hơn 100 công viên khoa học trên khắp đất nước thu hút khoảng 3.000 doanh nghiệp công nghệ cao vào làm việc, tạo ra hơn 70.000 việc làm trong vòng 10 năm qua. Trong số đó, có 7 công viên công nghệ được xếp hàng đầu ở Châu Âu về các lĩnh vực công nghệ cao trong công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, y-dược, vũ trụ và môi trường. Thời gian qua, hợp tác KH&CN song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có nhiều chuyển biến. Các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều dự án hợp tác thành công với nhà khoa học Anh trong Chương trình KH&CN của Liên minh Châu Âu lần thứ 6 và 7 (FP6 và FP7). Hai bên cũng đã xác định 3 lĩnh vực ưu tiên hợp tác là công nghệ sinh học và ứng dụng trong nông nghiệp; hợp chất thiên nhiên; y – dược. Với sự quan tâm đặc biệt của hai bên, hợp tác KH&CN đã có những kết quả ấn tượng. Đầu năm 2010, hai bên đã đàm phán và đi đến thống nhất sẽ hợp tác thực hiện dự án đầu tiên về “Giải mã gen một số dòng lúa của Việt Nam”. Dự án này đã được triển khai có hiệu quả cao với việc giải mã thành công 36 dòng lúa bản địa của Việt Nam, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ về kỹ thuật phân tích gen. Hiện hai bên đang tiến hành triển khai pha 2 của dự án, dự kiến sẽ tiếp tục giải mã 600 - 800 giống lúa của Việt Nam để xây dựng ngân hàng gen các giống lúa phục vụ cho công tác nghiên cứu và chọn tạo giống. Tiếp theo thành công của dự án giải mã gen lúa, hai bên đã thành công trong việc thành lập Phòng thí nghiệm liên ngành y sinh – hóa dược – hợp chất thiên nhiên được xây dựng tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Trong tương lai, hai bên sẽ xây dựng Trung tâm này thành một trung tâm xuất sắc. Đồng thời đã tiến hành nhiều hội thảo khoa học chuyên sâu về công nghệ sinh học, y dược truyền thống và các bệnh lạ nhiệt đới, an ninh lương thực. Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, hai bên đã và đang phối hợp tổ chức một số hội thảo về xây dựng cơ quan pháp quy, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ và chu trình nhiên liệu hạt nhân, cũng như xây dựng các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực này. Tiếp đó, đến tháng 9/2010, Chính phủ 2 nước đã ký kết Hiệp định nâng cấp mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Vương quốc Anh thành "Đối tác chiến lược”, trong đó đã đưa KH&CN trở thành một trụ cột ưu tiên hợp tác bên cạnh kinh tế - thương mại, chính trị, an ninh quốc phòng. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến và Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam ký Bản Ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Tăng cường quan hệ hợp tác KH&CN Nhận thấy tiềm năng lớn về hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, hai bên đã có những hoạt động tích cực nhằm đưa quan hệ hợp tác về KH&CN lên tầm cao mới. Ngày 28/11/2013, Tiến sỹ Lê Đình Tiến – Thứ trưởng Bộ KH&CN và Tiến sỹ Antony Stokies - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã ký Bản Ghi nhớ giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về Hợp tác sử dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết, chính sách nhất quán của Việt Nam là coi bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật bức xạ và hạt nhân, đồng thời bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, là một nước đi sau về lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Việt Nam coi trọng và mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước có nền công nghệ hạt nhân tiên tiến và nhiều kinh nghiệm thành công trong xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, tháo gỡ và quản lý an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân như Vương quốc Anh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Thứ trưởng bày tỏ hy vọng việc hợp tác có hiệu quả của hai nước sẽ góp phần đẩy mạnh các ứng dụng của năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Bản ghi nhớ này là một thỏa thuận mang tính nguyên tắc để tạo cơ sở quan trọng cho việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Bản ghi nhớ đã khẳng định mong muốn của hai quốc gia trong việc tăng cường hợp tác trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật, đào tạo cán bộ, xây dựng các dự án nghiên cứu chung và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đây cũng là một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động hợp tác kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2013. Ông Antony Stokes – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã nhấn mạnh, Vương quốc Anh và Việt Nam đều thừa nhận sự cần thiết phải xem xét các nguồn năng lượng đảm bảo tính bền vững của môi trường, an toàn, an ninh và tiết kiệm chi phí, trong đó có điện hạt nhân, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân mỗi nước. Bản ghi nhớ khẳng định sự chú trọng của Vương quốc Anh trong việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình về nguồn năng lượng quan trọng này với Việt Nam. Được biết, dự kiến thời gian tới hai bên sẽ đàm phán để xây dựng một cơ chế hợp tác chính thức giữa hai nước. Tập trung xác định rõ định hướng ưu tiên hợp tác là nghiên cứu, đào tạo, thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong một số lĩnh vực như công nghệ sinh học nông nghiệp, y dược, nông nghiệp và an ninh lương thực. Việt Nam sẽ đàm phán với Anh hỗ trợ thành lập Phòng thí nghiệm hỗn hợp Việt – Anh về ứng dụng công nghệ Gen-nôm để giải mã gen một số cây trồng và vật nuôi quan trọng của Việt Nam; hỗ trợ nâng cao trình độ Phòng thí nghiệm hợp tác liên ngành Y – Sinh – hóa dược và hợp chất thiên nhiên để đưa phòng thí nghiệm này thành trung tâm nghiên cứu xuất sắc và xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy liên kết đổi mới công nghệ. Bài, ảnh: Hoàn Hạnh
|