Bản in
Khởi công Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt – Hàn
Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) trị giá hơn 21 triệu USD, phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc ba ngành chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo, đã được khởi công xây dựng tại Cần Thơ sáng 23-11.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác điện hạt nhân - năng lượng - công nghiệp, Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất đầu tư xây dựng Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại Cần Thơ. Đây là dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ tiếp cận, đổi mới công nghệ và phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, dự án sẽ tạo thêm động lực để thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế của TP Cần Thơ và các địa phương khác ở ĐBSCL”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đảm bảo để dự án hoạt động hiệu quả và bền vững; tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và ưu tiên hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư nhiều hơn vào Cần Thơ và ĐBSCL.

Đại diện Chính phủ Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Jick - Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc - nhấn mạnh: “Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 40 lần và Việt Nam là quốc gia đầu tư lớn nhất trong khu vực ASEAN đối với Hàn Quốc. Hàn Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là đối tác hợp tác tốt nhất của Việt Nam”.

Ông Yoon Sang-Jick nói tiếp: “Cần Thơ thuộc ĐBSCL, một vựa lúa danh tiếng và có tài nguyên thủy sản phong phú. Dựa trên tiềm năng đó, ngành chế biến thực phẩm nông thủy sản và ngành công nghiệp máy móc nông nghiệp là hai ngành kinh doanh mũi nhọn của KVIP. Với kinh nghiệm và công nghệ của Hàn Quốc, tôi tin sẽ giúp cho tiềm năng ấy thành hiện thực. Theo đó, không ít doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư thêm vào TP Cần Thơ thông qua KVIP này”. 

Ông Yoon Sang-Jick lạc quan cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp sáng tạo sẽ được sinh ra thông qua KVIP và họ sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, sân chơi hợp tác kinh tế chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TPHCM sẽ được mở rộng, tạo thêm cơ hội hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp của hai nước sẽ tìm kiếm sự cạnh tranh mới, cùng nhau khai thác thị trường thế giới”. 

Dự án KVIP sẽ xây dựng hai tòa nhà rộng hơn 13.000 mét vuông để lắp đặt thiết bị phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc ba ngành công nghiệp chính là chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo. Tổng kinh phí của dự án là 21,13 triệu USD, trong đó Hàn Quốc tài trợ vốn ODA không hoàn lại 17,7 triệu USD, còn lại là vốn của Việt Nam. Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc (KITECH) giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ và phối hợp với Đại học Cần Thơ và Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ đưa ra danh sách thiết bị cần thiết phục vụ dự án này.

Theo kế hoạch, đến năm 2015 dự án hoàn thành và vận hành thử. Trước mắt, vào ngày 18-12-2013, tại khách sạn New World (TPHCM), KITECH sẽ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào Cần Thơ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.