Bản in
Hungary: Thảm họa từ bùn đỏ
Tuy đã có người chết, mất tích và bị thương, nhưng dư luận Hungary nói riêng và châu Âu nói chung lại đang đặc biệt quan tâm tới những tác động phụ sau thảm họa bùn đỏ vừa xảy ra chiều 4/10 vừa qua tại nước này.


Trong tuyên bố hôm 6/10 với giới truyền thông, Bộ trưởng Môi trường Zoltan Illes cho biết, công tác dọn vệ sinh các lớp bùn độc hại và tái thiết lại hệ sinh thái ở những nơi bị bùn đỏ tràn qua có thể mất một năm và kinh phí dùng cho việc này cũng như tái thiết sau thảm họa có thể lên đến hàng chục triệu euro. Tuyên bố của Bộ trưởng Zoltan Illes không khiến dư luận và giới chuyên môn yên tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo thống kê của cơ quan chức năng Hungary, thảm họa bùn đỏ xảy ra tại thị trấn Ajka đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 4 người, 6 người mất tích và hơn 120 người khác bị thương. Gần 400 người đã phải sơ tán. Trong số những người bị thương, người ta quan tâm tới số bị bỏng và ngứa mắt do chì và những thành phần độc hại trong bùn gây nên. Trong số bị thương có hơn 60 người phải nhập viện và 8 người đang trong tình trạng nguy kịch. Bùn đỏ xuyên qua quần áo có thể đốt cháy da thịt, đe dọa hệ sinh thái và môi trường sống.

Giới chuyên môn cho rằng, trong bùn đỏ có chứa những kim loại nặng như chì, thậm chí cả chất phóng xạ nhẹ, rất độc hại nếu bị ngấm vào cơ thể. Nếu hít phải bụi của nó có khả năng bị ung thư phổi. Chính phủ cảnh báo người dân không được dùng các loại rau tại khu vực bị ngập trong bùn đỏ. Theo tính toán ban đầu, bùn đỏ đã cuốn trôi hơn 270 căn nhà, xe cộ, phá hủy một số cây cầu cùng gia súc, ruộng vườn của người dân vùng bị hại.

Được biết, Phó thủ tướng Navracsics Tibor, Bộ trưởng Quốc phòng Hende Csaba, Bộ trưởng Nội vụ Sandor Pinter và Cục trưởng Phòng chống thiên tai quốc gia Bakondi Gyrgy đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Giới truyền thông đưa tin, chiều 4/10, sau khi hồ chứa nước thải của nhà máy nhôm Ajkai Timfoldgyar Zrt tại Ajka bị vỡ đã tạo nên một cơn lũ bùn đỏ nhấn chìm 7 làng của thị trấn này. Nước thải từ hồ chứa chất thải tinh luyện quặng của Công ty Thương mại và Sản xuất nhôm Hungary (MAL Zrt) đã tạo nên trận lũ bùn trên một vùng rộng khoảng 40km2 và tàn phá tất cả những vật cản dọc đường.

Nhưng dòng bùn đỏ độc hại này vẫn tiếp tục lan tràn trong ngày 7/10 và chưa dừng lại khiến các quốc gia lân cận quan ngại về một thảm họa môi trường có thể xảy ra. Liên minh châu Âu đã khuyến cáo Hungary không được để bùn đỏ tràn ra sông Danube. Lực lượng cứu hộ của Hungary đã sử dụng thạch cao và phân bón để ngăn dòng bùn đỏ độc hại lan ra dòng Danube.

Bộ trưởng Zoltan Illes cho biết, đây là thảm họa tràn hóa chất nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hungary và nguyên nhân của vụ việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra. Được biết, Cảnh sát Hungary đã chính thức mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ vỡ hồ chứa nước thải của Nhà máy Ajkai Timfoldgyar Zrt. Chỉ huy Cảnh sát quốc gia Jozsef Hatala lãnh đạo đoàn điều tra này.

Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ bùn.

Giới chuyên môn đang muốn làm rõ nguyên nhân, cũng như biện pháp khắc phục sự cố này. Ngày 5/10, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại những khu vực bị bùn đỏ tấn công.

Theo Cơ quan Thảm họa quốc gia Hungary cho biết, lực lượng cứu hộ đang cố gắng để sớm thu dọn, khử độc và chặn dòng bùn đỏ không để nó tiếp cận với các dòng sông gần kề. Xét góc độ môi trường, bùn đỏ là một loại chất thải rất độc hại cho dù các kim loại nặng độc hại, hoặc chất chì hay phóng xạ trong bùn đỏ không thực sự nguy hiểm đến tính mạng con người vì hàm lượng của chúng không đáng kể. Cho tới nay, thế giới chưa có nước nào xử lý triệt để được vấn đề bùn đỏ và cách phổ biến mà người ta thường làm là chôn lấp bùn đỏ ở những vùng đất ít người sinh sống để tránh độc hại.

Giám đốc công ty sở hữu Nhà máy nhôm Ajkai Timfoldgyar Zrt là Jozsef Deak cam kết, sẽ nhận trách nhiệm nếu kết quả điều tra cho thấy vụ tràn bùn đỏ là do lỗi con người gây ra. Đại diện nhà máy cho rằng, mưa lớn trong nhiều tuần lễ qua có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến việc hồ chứa chất thải nhà máy bị vỡ. Nhưng Tổ chức Hòa bình xanh đã tiết lộ các bức ảnh chụp từ vệ tinh một ngày trước khi thảm họa xảy ra cho thấy, có nhiều vết nứt ở các bức tường của hồ chứa chất thải.

Thủ tướng Viktor Orban cho rằng, tai nạn này có thể do con người gây ra và đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Sandor Pinter xác định trách nhiệm hình sự và tài chính đối với những người liên quan cho dù sự việc xảy ra bất ngờ khiến mọi người không kịp trở tay

 ANTG