Bản in
Công nghệ bán dẫn Việt Nam tìm cơ hội ra thế giới
Từ ngày 9-11/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố đã phối hợp với Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (gọi tắt là SEMI) và Hội công nghệ vi mạch bán dẫn thành phố (HSIA) tổ chức Hội nghị cấp cao về chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn.

Hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp thuộc ngành công nghệ vi mạch bán dẫn non trẻ của Việt Nam  tìm cơ hội tiếp cận với thị trường ngành công nghệ bán dẫn của khu vực và thế giới.

Tại phiên họp chính của Hội nghị diễn ra ngày 10/9, bà Tô Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết ngành công nghệ bán dẫn hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam và được đưa vào danh mục chín sản phẩm trọng điểm quốc gia thông qua các chương trình đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu sản phẩm công nghệ bán dẫn sẽ tăng mạnh ở Việt Nam với doanh thu có thể đạt 2 tỷ USD/năm.

Để ngành công nghệ bán dẫn phát triển như mong đợi, bà Tô Thu Hương cho rằng trước mắt cần nghiên cứu xây dựng danh mục sản phẩm chiến lược, lúc này chưa thể sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, chip điện tử nhỏ nên có thể lựa chọn sản xuất những sản phẩm vi mạch bán dẫn vừa sức, gần gũi đời sống để tạo thị trường bước đầu.

Các doanh nghiệp và trường đại học cần đào tạo nâng cao nhân lực phát triển công nghệ; phát triển các nhà máy vi mạch; tăng cường tính liên kết giữa ngành vi mạch bán dẫn với các chương trình phát triển quốc gia, tạo thị trường cụ thể cho ngành này...

Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, hơn 50 lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn trong ngành vi điện tử trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận những chiến lược quan trọng, những thách thức và cơ hội cho việc đầu tư và phát triển công nghệ bán dẫn ở Việt Nam.

Từ những chia sẻ của các lãnh đạo, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực này, Hội nghị sẽ mang đến cơ hội hình thành diện mạo mới cho ngành công nghiệp bán dẫn non trẻ của Việt Nam trong tương lai, trong đó Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được nhấn mạnh như một hình mẫu thu hút đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn của thành phố./.