Thành công trên mang lại niềm hy vọng góp phần giải quyết vấn đề lương thực tại các vùng khô cằn hiện chiếm tới trên 50% diện tích đất trồng.
Theo nữ giáo sư Beatriz Xoconostle, người đứng đầu dự án, Mexico là nước đầu tiên trên thế giới đạt được kết quả ấn tượng này, vì cho đến nay nhiều nước mới chỉ lai tạo thành công trong phòng thí nghiệm, chưa đưa ra trồng trong điều kiện tự nhiên.
Điều đáng nói ở đây là giống ngô mới lai tạo không phải là dạng biến đổi gen và có thể sinh trưởng trong điều kiện thời tiết nóng trên 40 độ C, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của các bang miền Tây Bắc Mexico.
Giáo sư Beatriz Xoconostle cho biết việc phát hiện ra khả năng chịu hạn của giống ngô này dựa trên cơ chế và tính năng một loại đường có tên gọi là trehalosa cho phép giữ nước trong các tế bào thân cây.
Qua nghiên cứu các nhà khoa học thấy rằng trong tự nhiên lại có chất men trehalasa làm nhiệm vụ phân hủy chất đường trehalosa và như vậy làm giảm khả năng chịu hạn của cây ngô.
Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đưa vào bản đồ gen ngô một loại vi trùng, tên khoa học là tumefaciens hiện tồn tại trên thềm đất trồng lãnh thổ Mexico, làm nhiệm vụ vô hiệu hóa hoạt động của chất men trehalasa, và như vậy bảo tồn được lượng đường trehalosa, đồng nghĩa với việc tăng khả năng chịu hạn của cây ngô.
Theo kế hoạch, giống ngô mới này sẽ được thâm canh đại trà tại các bang Tây Bắc cằn cỗi. Trong thời gian tới, cũng dựa trên công nghệ này, CINVESTAV sẽ tiến hành thử nghiệm với một số cây lương thực khác tại Mexico.
Ngô là một lọai lương thực luôn có mặt trong bữa ăn của người Mexico từ bao đời nay.
Tuy nhiên cho đến nay quốc gia này vẫn phải nhập khẩu từ Mỹ, một mặt vì đất trồng khô cằn khó cho cây ngô sinh trưởng, diện tích trồng còn ít, mặt khác năng suất vẫn còn ở mức khiêm tốn 2,5 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với 9 tấn/ha tại nước láng giềng là Mỹ./.
(TTXVN/Vietnam+) |