|
|||
Hôm 20/5, chính quyền Tổng thống Barack Obama chính thức công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới (Clan 2010). Tuần Việt Nam xin giới thiệu toàn văn tài liệu này. Trong lịch sử của đất nước chúng ta, người dân Mỹ hết lần này đến lần khác đều vươn lên đáp ứng và định hình các thời khắc chuyển giao. Đây là một trong những thời khắc như vậy. Chúng ta đang sống ở một thời đại biến chuyển sâu sắc. Sự thành công của các quốc gia tự do, các thị trường mở và tiến bộ xã hội trong những thập kỷ gần đây đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa với một quy mô, mức độ chưa từng thấy. Điều này đã mở ra cánh cửa cơ hội trên toàn cầu, mở rộng dân chủ đến hàng trăm triệu người dân và tạo điều kiện hòa bình giữa các cường quốc lớn. Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng làm tăng những nguy cơ mà chúng ta đang phải đối mặt - từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế và sự phổ biến các công nghệ hủy diệt đến khủng hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu. Nền tảng cho sức mạnh Mỹ Trong gần một thập kỷ, Quốc gia của chúng ta đã ở trong tình trạng chiến tranh với một mạng lưới bạo lực và hận thù sâu rộng. Thậm chí ngay khi chúng ta chấm dứt cuộc chiến ở Irắc, quân đội của chúng ta, đáp ứng lời kêu gọi của đất nước, lại tập trung vào Apsganixtan để thực hiện mục tiêu phá vỡ, tiêu diệt và đánh bại Al-Qaeda và mạng lưới của chúng. Đây là một phần trong nỗ lực đa quốc gia rộng lớn mang tính chính đáng và công bằng và chúng ta sẽ không bao giờ nao núng trong cam kết an ninh của chúng ta đối với ngươi dân, các đồng minh và đối tác của chúng ta. Hơn nữa, khi chúng ta đối mặt với nhiều mối đe dọa- từ các quốc gia, các chủ thể phi nhà nước đến các nhà nước thất bại - chúng ta sẽ duy trì ưu thế vượt trội về quân sự vốn đã đảm bảo an ninh cho đất nước chúng ta và củng cố an ninh toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, khi tiến hành với các cuộc chiến ở phía trước, chúng ta phải nhìn thấy một triển vọng vượt ra khỏi giới hạn của chúng - đó là một thế giới mà ở đó nước Mỹ sẽ mạnh hơn, an ninh hơn và có khả năng vượt qua những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, đồng thời thu hút được sự hưởng ứng của người dân trên toàn thế giới. Để đến được cái đích đó, chúng ta phải đeo đuổi một chiến lược đổi mới quốc gia và lãnh đạo toàn cầu- một chiến lược tái thiết nền tảng sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ.
Chúng ta phải phát triển năng lượng sạch để có thể cung cấp năng lượng cho nền công nghiệp mới, giải phóng chúng ta khỏi sự lệ thuộc vào nguồn dầu khí bên ngoài và bảo tồn hành tinh của chúng ta. Chúng ta phải theo đuổi khoa học và nghiên cứu để cho phép khám phá và mở khóa cho các điều kỳ diệu mà hiện nay chúng ta chưa từng thấy như chúng ta chưa biết đến bề mặt của mặt trăng và con chip điện tử một thế kỷ trước đấy. Nói một cách đơn giản, chúng ta phải thấy sự sáng tạo của nước Mỹ như là một nền tảng cho sức mạnh Mỹ. Chúng ta cũng phải xây dựng và thống nhất các tiềm lực để có thể thúc đẩy những lợi ích của chúng ta và những lợi ích mà chúng ta chia sẻ với các nước khác và dân tộc khác. Các lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ luôn luôn là hòn đá tảng của an ninh của chúng ta nhưng họ cần được bổ sung, hỗ trợ thêm. An ninh của chúng ta cũng phụ thuộc vào các nhà ngoại giao, những người có thể đến công tác ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ các chuyên gia phát triển, những người có thể tăng cường sự cai trị và ủng hộ nhân phẩm; vào tình báo và việc thực thi luật pháp để có thể phát hiện những âm mưu, tăng cường hệ thống pháp lý và hợp tác liên tục với các nước khác. Trọng trách của một thế kỷ trẻ trung không thể chỉ được đặt lên vai người lính Mỹ; thực vậy, kẻ thù của chúng ta muốn Mỹ tiêu hao sinh lực vì bị kéo căng quá mức. Trước đây, chúng ta đã có tầm nhìn xa trông rộng để hành động một cách sáng suốt và tránh hành động đơn phương. Chúng ta đã từng là một phần của một liên minh thời chiến hùng mạnh trong lịch sử loài người trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và đã liên kết các dân tộc thành một cộng đồng các quốc gia và các thể chế tự do để trải qua cuộc Chiến tranh Lạnh. Nước Mỹ sẽ kiên trì thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc Chúng ta thấy rõ thách thức của việc huy động hành động tập thể và những bất cập của hệ thống quốc tế của chúng ta. Nhưng nước Mỹ đã không thành công khi bước ra khỏi các trào lưu của sự hợp tác quốc tế. Chúng ta đã thành công thông qua việc thúc đẩy các trào lưu theo hướng tự do và công lý; bởi vậy, các quốc gia sẽ phát triển nếu đáp ứng các trách nhiệm của họ, còn không thì sẽ phải đối mặt với các hậu quả. Để làm được điều này, chúng ta sẽ phải kiên định trong việc tăng cường các liên minh trước đây vốn đã đóng góp rất tốt cho chúng ta, đồng thời hiện đại hóa các liên minh để đối phó với các thách thức của thế kỷ mới. Khi ảnh hưởng mở rộng đến nhiều hơn các nước và các thủ đô, chúng ta sẽ xây dựng các mối quan hệ đối tác mới và sâu sắc hơn ở mọi khu vực và tăng cường các tiêu chuẩn và thể chế quốc tế. Sự can dự này tự nó không phải là mục tiêu. Trật tự thế giới mà chúng ta đang nỗ lực kiến tạo là một trật tự có thể giải quyết các thách thức của thời đại chúng ta: chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và bạo loạn; ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo an ninh cho nguyên liệu hạt nhân; đấu tranh chống biến đổi khí hậu và duy trì tăng trưởng toàn cầu; giúp đỡ các nước đảm bảo lương thực và chăm sóc y tế; giải quyết và ngăn ngừa xung đột, đồng thời cũng hàn gắn các vết thương của chúng. Trong tất cả những việc chúng ta làm, chúng ta sẽ vận động và thúc đẩy các quyền căn bản mà Quốc gia chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng đó và các dân tộc thuộc mọi chủng tộc và tôn giáo đã tạo dựng lên cho chính mình. Chúng ta thúc đẩy những giá trị này bằng cách sống theo chúng, trong đó có cam kết của chúng ta đối với sự cai trị của pháp luật. Chúng ta sẽ tăng cường các quy tắc quốc tế để bảo vệ các quyền này, tạo dựng không gian và hỗ trợ cho những ai chống lại sự áp bức. Cam kết của chúng ta đối với nhân phẩm bao gồm sự ủng hộ phát triển, đó là lý do giải thích tại sao chúng ta chiến đấu chống lại đói nghèo và tham nhũng. Và chúng ta bác bỏ quan niệm cho rằng an ninh và thịnh vượng bền vững có thể có được bằng cách quay lưng lại với các giá trị phổ quát - dân chủ không đơn thuần đại diện cho các thiên thần tốt đẹp hơn, nó đối lập với sự xâm lược và bất công, và sự ủng hộ của chúng ta đối với các quyền phổ quát vừa mang tính căn bản đối với sự lãnh đạo của Mỹ vừa là nguồn sức mạnh của chúng ta trên thế giới. Là một quốc gia của những người dân thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, đức tin và văn hóa, nước Mỹ sẽ kiên trì thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc và tin tưởng rằng dân chủ và quyền cá nhân không gây phương hại đến bản sắc được ấp ủ. Thực vậy, hẳn không một dân tộc nào ở vào một vị thế tốt hơn nước Mỹ để lãnh đạo thế giới trong một kỷ nguyên toàn cầu hóa vì nước Mỹ đã góp phần mang lại toàn cầu hóa mà những thể chế của nó được tạo ra để chuẩn bị cho các cá nhân đạt được thành công trong một thế giới cạnh tranh và người dân của nó tìm thấy nguồn cội chung đối với mỗi đất nước trên trái đất. Tài sản vĩ đại nhất của nước Mỹ chính là con người Là một công dân và là Tổng thống, tôi luôn tin tưởng rằng tài sản vĩ đại nhất của nước Mỹ chính là con người- từ nỗi kính sợ mà tôi cảm nhận lúc còn bé khi theo dõi một con tàu vũ trụ được phóng lên khỏi Thái Bình Dương đến sức mạnh mà tôi rút ra được từ những người lao động đang tái thiết cuộc sống của họ ở Ilinois, cho tới sự kính trọng của tôi đối với thế hệ những người Mỹ đã phục vụ đất nước chúng ta hiện nay. Đó là lý do giải thích tại sao tôi cũng tin tưởng rằng chúng ta phải phát huy các mối liên hệ sâu sắc hơn giữa người dân Mỹ và những người dân trên toàn thế giới. An ninh lâu dài của chúng ta sẽ có được không phải từ khả năng gây ra nỗi sợ hãi đối với các dân tộc khác mà thông qua khả năng đáp ứng niềm hy vọng của họ. Và công việc đó sẽ được thực hiện tốt nhất thông qua sức mạnh của sự chính trực và nhân phẩm của người dân Mỹ - những người lính và các nhà ngoại giao của chúng ta, cũng như các khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và mọi công dân. Tất cả chúng ta đều có vai trò trong sự nghiệp chung này. Từ sự ra đời của nền tự do, nước Mỹ đã có niềm tin vào tương lai - một niềm tin rằng nơi mà chúng ta đang đi tốt hơn nơi chúng ta đã trải qua, ngay cả khi con đường phía trước còn nhiều chông gai, trắc trở. Để thực hiện niềm hy vọng đó, các thế hệ người Mỹ đã xây dựng trên nền tảng của cha ông chúng ta - tìm kiếm cơ hội, đấu tranh chống bất công, tạo dựng một liên minh hoàn hảo hơn. Chúng ta cũng tạo ra các mạng lưới thương mại, ủng hộ cấu trúc quốc tế về luật pháp và thể chế và hy sinh xương máu của người dân Mỹ ở những vùng đất nước ngoài- không phải để dựng lên một đế chế mà để định hình một thế giới mà ở đó nhiều cá nhân và dân tộc hơn được quyết định vận mệnh của chính mình, được sống trong hòa bình và nhân phẩm mà họ xứng đáng được hưởng. Năm 2010, nước Mỹ đã trở nên dạn dày bởi các cuộc chiến và được truyền cảm hứng bởi những quân nhân nam nữ, những người đã tham gia chiến đấu. Chúng ta đã trở nên có kỷ cương và nguyên tắc bởi chính một cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính tàn phá và quyết tâm cho thấy rằng di sản của nước Mỹ là một nền tảng mới cho sự thịnh vượng; và chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau bởi một tín điều đã dẫn lối chỉ đường cho chúng ta ở trong nước và là ngọn hải đăng cho thế giới. Sự vĩ đại của nước Mỹ chưa được đảm bảo- vị trí của mỗi một thế hệ trong lịch sử vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời. Nhưng ngay cả khi chúng ta bị thử thách bởi những thách thức mới thì câu trả lời về tương lai không phải là câu hỏi sẽ được trả lời cho chúng ta mà sẽ được trả lời bởi chính chúng ta. Và trong một thế kỷ mới mà đường hướng của nó chưa định hình rõ, nước Mỹ sẵn sàng lãnh đạo một lần nữa. Còn tiếp....
|