Bản in
Tổng giám đốc NASA làm việc tại Việt Nam
Ông Charles Bolden cùng đoàn Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) làm việc tại Việt Nam trong hai ngày 10-11/12. Tin từ Trung tâm vệ tinh quốc gia cho biết.

Tại chuyến thăm và làm việc lần này, ông Charles Bolden sẽ có buổi làm việc với, Bộ KH&CN, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trung tâm vệ tinh quốc gia (VNSC) để thăm và chia sẻ kinh nghiệm phát triển khoa học công nghệ vũ trụ.

Tại buổi làm việc với VNSSC, tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc VNSC  giới thiệu với tổng giám đốc NASA Bolden về Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, dự án giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020". Trung tâm này được giao nhiệm vụ làm chủ công nghệ, tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ radar.

Ông Bolden chúc mừng Trung tâm vệ tinh quốc gia mới thành lập trong một năm đã đạt một số thành tựu nhất định.  Ngoài ra, vị đại diện NASA chia sẻ một số kinh nghiệm trong vấn đề hợp tác và phát triển công nghệ vũ trụ của Mỹ. Trong đó, ông nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho thế hệ nhà khoa học trẻ, nhất là sinh viên các trường đại học tiếp cận sớm với ngành khoa học công nghệ vũ trụ.

Đại diện NASA khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác công nghệ vũ trụ giữa Việt Nam và Mỹ. Về phía Việt Nam, ông Tuấn cũng mong muốn, với vai trò là một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới, NASA sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm vũ trụ ở Việt Nam.

Trước đó, ngày ngày 10/12, Tổng Giám đốc Cơ quan hàng không và Không gian Hoa kỳ đã đến thăm và làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) nhằm đánh giá lại những kết quả hợp tác trong thời gian qua giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Đây là hoạt động tiếp theo Lễ ký kết chung về dự định hợp tác trong hoạt động hàng không và vũ trụ dân dụng vào tháng 12/2011 giữa hai bên.

Tại buổi làm việc với VAST, hai bên đã thảo luận và thống nhất về khả năng hợp tác trên những lĩnh vực được cả hai bên cùng quan tâm như: Chia sẻ dữ liệu SAR và dữ liệu quan sát trái đất từ vệ tinh VNRedSat; Phối hợp đào tạo, xây dựng nân lực của VAST trong lĩnh vực khoa học trái đất, đặc biệt là Chương trình khoa học ứng dụng với việc cảnh báo thiên tai và các lớp học trực tuyến; Tiếp tục thảo luận về chương trình Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu và chương trình kiểm chứng, hiệu chỉnh toàn cầu; Trao đổi cán bộ trong ngành khoa học trái đất và những ứng dụng thực tế trong công tác quan sát trái đất.