
|
|||
Tại buổi nói chuyện, ông Charles F. Bolden – Tổng Giám đốc NASA đã giới thiệu về hoạt động của NASA; những kết quả chính trong nghiên cứu không gian và hàng không năm 2012 và đặc biệt là chương trình đưa người lên Sao Hỏa vào năm 2030. Nhiều cơ hội hợp tác Ông Bolden cho biết, NASA hiện có quan hệ hợp tác với hơn 150 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trên các lĩnh vực nghiên cứu không gian, quan sát trái đất và vũ trụ, chia sẻ tài nguyên… Trả lời câu hỏi về những lĩnh vực cụ thể như vũ trụ mà Việt Nam có thể hợp tác với NASA, ông Charles F. Bolden nhấn mạnh, những nội dung của thỏa thuận đã ký năm 2011 giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và NASA là nền tảng để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Theo đó, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trên 8 lĩnh vực, nhất là về chia sẻ công nghệ không gian, thiên văn, nghiên cứu vật liệu… Ông Charles F. Bolden cũng cho rằng, trước mắt hai bên có thể tiếp tục đẩy mạnh những lĩnh vực hợp tác sẵn có như quan sát trái đất, chia sẻ tài nguyên ảnh vệ tinh, bảo vệ tài nguyên nước, nghiên cứu về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường... Ngoài ra, một số lĩnh vực mới mà hai bên có thể hợp tác như nghiên cứu sản xuất thức ăn, nước uống tinh khiết cho phi hành gia; nghiên cứu khí quyển do NASA thực hiện tại khu vực Đông Nam Á… Về kế hoạch đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030, ông Bolden cho biết, đây là thách thức rất lớn, do vậy NASA nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều nước. Nuôi dưỡng đam mê Ông Charles F. Bolden cho biết, ở Mỹ luôn tạo điều kiện cho sinh viên đại học làm việc cho NASA trong 6 tháng như một quá trình thực tập, sau đó sinh viên trở về trường tiếp tục học tập. "Tôi không biết trong số các nhà khoa học Việt Nam ở đây từng trở về trường cũ tìm sinh viên có tiềm năng đam mê khoa học thiên văn vũ trụ thật sự để đào tạo bồi dưỡng hay tìm kiếm cơ hội cho họ tham gia nghiên cứu cùng chưa?", ông Charles F. Bolden đặt câu hỏi và nhấn mạnh việc làm này sẽ tạo cơ hội để thế hệ trẻ trưởng thành hơn. Ông Charles F. Bolden cho biết thêm, NASA còn thành lập trung tâm giống như bảo tàng nhỏ làm diễn đàn để công chúng có thể tới tham quan và học hỏi. Tại đây, NASA để các hiện vật như quần áo của phi hành gia, mô hình phi thuyền… giúp công chúng cảm thấy gần hơn với công nghệ vũ trụ vốn xa xôi với họ. Ông cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu học tập mô hình này của Mỹ. Người đứng đầu NASA cũng nhấn mạnh, vai trò của báo chí, đặc biệt là báo điện tử và truyền thông xã hội trong chia sẻ những câu chuyện thành công, thất bại thực tế của các phi hành gia, nhà nghiên cứu, từ đó hình thành và hun đúc đam mê đối với khoa học không gian trong mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Về cơ hội hợp tác với NASA, ông Charles F. Bolden khẳng định luôn mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các bạn trẻ trên toàn thế giới, trong đó có bạn trẻ Việt Nam. “Tư duy sáng tạo, sự phản biện luôn cần được khuyến khích ở các bạn trẻ đam mê lĩnh vực khoa học không gian, vũ trụ”, ông Charles F. Bolden nói. Là người da màu đầu tiên làm Tổng giám đốc NASA, ông Charles F. Bolden chia sẻ câu chuyện của bản thân ông khi phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Chính bở sự phân biệt đó, mặc dù luôn mơ ước trở thành phi hành gia, lại học rất giỏi nhưng Charles F. Bolden đã không dám nộp hồ sơ dự tuyển vào NASA. Chỉ đến khi một người thầy của đã khuyên ông rằng, đừng tự tước đi cơ hội khi chưa nỗ lực hết sức. Từ câu chuyện của mình, Charles F. Bolden cho rằng, trong thế giới mở, mọi người ở mọi nơi trên trái đất đều có thể hợp tác với nhau, miễn là có đủ kiến thức, đam mê và sự tự tin. |