Mô hình liên kết hiệu quả trong việc đưa khoa học đến cộng đồng xã hội tại Công viên khoa học Cibinong, Indonesia đã cho chúng ta thấy rõ, để khoa học và công nghệ thực sự đến được với người dân- trước hết phải giáo dục từ nhận thức của các em học sinh. Vì đây chính là những thế hệ mầm non của đất nước được tiếp cận với thông tin khoa học một cách hiệu quả và hữu ích, với mô hình “học mà chơi”" nằm trong chương trình học tập tại các trường học.
Công viên khoa học Cibinong thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học Indonesia được thành lập năm 1991. Trung tâm hiện có 16 chi nhánh tại 33 tỉnh, thành phố của Indonesia, với mục tiêu nâng cao kiến thức cho người dân về khoa học và công nghệ. Với diện tích 4,3ha và 23.400m2 bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1995, công viên khoa học trưng bày các hoạt động khoa học công nghệ, với nhiều lĩnh vực khác nhau. Giám đốc tài chính Trung tâm, ông Karya Subarman cho biết, hàng năm công viên đón từ 300.000 – 350.000 người đến tham quan, trong đó thu hút 85% lượng khách là học sinh, sinh viên và 15% là thanh niên. Đặc biệt, đây là nơi thu hút lượng khách đến tham quan khá ấn tượng khi xét về độ tuổi bởi vì 2% lượng khách là trẻ em mẫu giáo, 24% là bậc tiểu học, 49% phổ thông trung học và 10% là cao đẳng. Đến đây, các em được tự mình khám phá những điều thú vị của khoa học. Liên quan đến kinh phí hoạt động của công viên, ông Karya Subarman chia sẻ, trong năm 2011 ngân sách dành cho Trung tâm khoa học là 10 tỷ rupiah, trong đó Chính phủ Indonesia hỗ trợ 4,5 tỷ rupiah để xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức các triển lãm… Số tiền còn lại 5,4 tỷ rupiah là nguồn tự thu từ bán vé, tổ chức các chương trình thường niên tại công viên.
Được tham quan trong khuôn viên của khu Công viên khoa học Cibinong, đoàn Việt Nam chúng tôi thực sự hấp dẫn bởi các khu trưng bày ấn tượng, từ lĩnh vực khoa học cơ bản cho đến các khu lưu giữ và trưng bày các công nghệ vĩ mô về năng lượng, phương tiện giao thông, khu vũ trụ. Đây là những mô hình xã hội hoá đầu tư cho khoa học và đưa khoa học đến cộng đồng thật hiệu quả. Từ tiếng đàn Angk Lung hay bộ công cụ đoán ngày sinh được xen kẽ với các mô hình về dụng cụ âm nhạc dân tộc tiêu biểu đến trò chơi để thử thách lòng dũng cảm của học sinh đi xe đạp trên dây, từ đó học sinh được tìm hiểu về cơ chế thăng bằng thông qua việc đi xe đạp, rất phù hợp với những học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu cảm giác mạnh và ưa mạo hiểm; rồi các mô hình động đất giúp các em học sinh cách ứng phó khi có động đất xảy ra. Thật sự náo nhiệt với những tiếng hò reo của các em mẫu giáo và học sinh tiểu học khi các em được tự mình khám phá về cấu tạo cơ thể con người thông qua những mô hình đơn giản như hàm răng mỗi khi chạm vào, tự thưởng thức âm nhạc qua những phím đàn piano khổng lồ, hoặc đánh giá khả năng phán đoán phương hướng thông qua hệ thống gương cầu vồng… Các lĩnh vực được thiết kế khép kín, giúp du khách đến tham quan được tìm hiểu về khoa học và công nghệ một cách trực quan, từ việc tự trải nghiệm như tìm hiểu về cơ chế và cách hình thành sóng thần, cơ chế tích điện, lực ma sát…

Với các trò chơi hấp dẫn
Khi được hỏi về công việc hiện tại, anh Asep đang làm việc tại công viên đã hào hứng cho biết, với sự say mê yêu trẻ, yêu nghề của anh và các đồng nghiệp, mặc dù với khối lượng công việc khổng lồ trong diện tích 23.400m2 chỉ có 49 nhân viên chính thức và 51 nhân viên hợp đồng làm việc nhưng công việc vẫn triển khai tốt và hiệu quả. Anh chia sẻ, làm việc tại Trung tâm khoa học công nghệ giúp anh vui vẻ mỗi ngày vì được gặp gỡ với rất nhiều người đến từ khắp mọi nơi, đặc biệt là các em học sinh. Điều đó khiến cho anh năng động và làm việc tích cực, hiệu quả hơn; qua đó càng yêu công việc của mình khi nhìn thấy sự hứng thú và ham tìm hiểu của các em học sinh và sinh viên khi đến đây.
Rõ ràng khoa học và công nghệ được đất nước Indonesia thật sự chú trọng, thông qua việc xây dựng, kết nối thông tin tới người dân từ rất sớm. Cùng với việc mở cửa hàng ngày và chuyên nghiệp hóa các khâu trong hoạt động của Công viên khoa học Cibinong, vừa giúp các em học sinh, du khách đến tham quan được tiếp cận với thông tin khoa học và công nghệ một cách hiệu quả, đồng thời tạo ra điểm đến hấp dẫn du lịch trí tuệ, bổ ích và lý thú.
Công viên thực sự là điểm đến lý tưởng cho những học sinh, sinh viên cũng như người dân Indonesia muốn tìm hiểu và tiếp cận khoa học và công nghệ. Đây cũng là một mô hình mà Việt Nam đang hướng tới, cần tham khảo và học tập-thông qua công viên khoa học để đưa kiến thức khoa học đến với cộng đồng xã hội một cách nhanh nhất.
|