
|
|||
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải đến dự và chủ trì hội thảo. Các chuyên gia đến từ Nhật Bản có: GS.Masataka Watanabe, cố vấn cao cấp về truyền thông KH&CN của Cục KH&CN Nhật Bản (JST), Giáo sư của Đại học Tsukuba, Ủy viên Hội đồng Khoa học của Hiệp hội Truyền thông khoa học Nhật Bản; ông Makoto Kato, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Thiết kế nội dung truyền thông và Tư vấn thông tin Vicom. Tham dự hội thảo có gần 70 đại biểu là đại diện Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện các Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện các Sở KH&CN và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn Hà Nội. Tại Hội thảo, chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam đã trình bày các chuyên đề về: Chính sách và hoạt động truyền thông KH&CN Nhật Bản và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam; Kinh nghiệm tổ chức các dự án quốc tế về KH&CN và những gợi ý với Việt Nam; Đẩy mạnh hoạt động của các đầu mối truyền thông ngành KH&CN Việt Nam. Các chuyên gia đã khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông KH&CN đối với sự phát triển KH&CN của mỗi nước, đặc biệt là vai trò gắn kết cộng đồng.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Văn Nguyên). Trong bài trình bày của mình, GS. Masataka Watanabe đã giới thiệu các giai đoạn phát triển KH&CN cũng như đổi mới truyền thông KH&CN của Nhật Bản. Theo đó, KH&CN Nhật Bản đã trải qua các giai đoạn thăng trầm. KH&CN đã từng không được người dân và xã hội quan tâm và cho rằng KH&CN không mang lại lợi ích cuộc sống cho người dân. Chính phủ và các cơ quan KH&CN của Nhật Bản đã đầu tư và xây dựng chiến lược phát triển hoạt động truyền thông KH&CN với mong muốn thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của KH&CN. Nhật Bản đã đổi mới công tác truyền thông bằng việc ban hành các chính sách về KH&CN, đưa vấn đề truyền thông KH&CN vào các kế hoạch phát triển KH&CN 5 năm; giới thiệu về các vấn đề và thành tựu của KH&CN qua các hoạt động như: xuất bản Trang Trắng về KH&CN (lần đầu tiên vào năm 1958), Tuần lễ KH&CN Quốc gia, Triển lãm KH&CN quốc tế, mở các quán cà phê khoa học (đã hình thành hơn 1.000 quán cà phê khoa học trong một năm), Liên hoan Khoa học của Thanh niên, Liên hoan Khoa học dành cho mọi lứa tuổi ở các đô thị, tổ chức các khóa đào tạo về truyền thông KH&CN, xây dựng hệ thống bảo tàng khoa học trên khắp cả nước,… Các chuyên gia của Nhật Bản và Việt Nam đều cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa để thúc đẩy hoạt động truyền thông KH&CN. Cần mở rộng mạng lưới truyền thông KH&CN phù hợp với khung cảnh văn hóa của quốc gia; mở các khóa đào tạo về truyền thông KH&CN tại các trường đại học và có sự cộng tác hiệu quả giữa nhà khoa học và trường đại học; làm thế nào để mọi người ghi nhận KH&CN là tri thức phục vụ cuộc sống; đưa KH&CN vào văn hóa; tạo ra sự thích thú và hình ảnh dễ gần của khoa học; gợi được sự hiểu biết rộng rãi của người dân về KH&CN. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động truyền thông KH&CN và giới thiệu về tiềm lực trong hoạt động này tại Việt Nam. Thứ trưởng cho biết, Nhật Bản là một trong những cường quốc về kinh tế, KH&CN và truyền thông KH&CN, đặc biệt là quan hệ giữa nhà khoa học với cộng đồng xã hội. Hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã có mối quan hệ gắn bó thân thiết và ngày càng đi vào chiều sâu. Chính phủ hai nước đã ký kết hợp tác song phương về KH&CN. Hội thảo “Truyền thông KH&CN Nhật Bản: Kết nối cộng đồng khoa học và xã hội" sẽ đóng góp quan trọng trong việc kết nối, triển khai hợp tác về truyền thông KH&CN, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này giữa hai nước. Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông KH&CN, Thứ trưởng cho rằng cần làm thế nào để biến những điều phức tạp, khô khan của khoa học thành những điều dễ hiểu, gần gũi với người dân; tăng cường phối hợp giữa Bộ KH&CN, Trung tâm truyền thông và các địa phương; đầu tư nâng cao trình độ đội ngũ và huy động xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động truyền thông KH&CN. Nguyễn Hạnh |