Bản in
Phát triển điện hạt nhân có thể bị trì hoãn nhưng không thể đảo ngược
Ông Alexander Bychkov Phó Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định Hội thảo Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, Việt Nam đã quyết tâm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dân sự vì mục đích hòa bình, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn cho con người và môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam bước vào chương trình Điện hạt nhân trong bối cảnh cơ sở hạ tầng cho việc thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân như nguồn nhân lực, tài chính…ở trình độ phát triển thấp. Những năm qua, IAEA đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để phát triển ngành năng lượng nguyên tử như cung cấp thiết bị, chuyển giao phần mềm tính toán, đào tạo cán bộ nghiên cứu công nghệ và phân tích đánh giá an toàn; quản lý và xử lý phóng xạ, bảo vệ môi trường; tư vấn và hỗ trợ xây dựng cơ sở pháp lý, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về hạt nhân…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Alexander Bychkov cho rằng: Trong kỷ nguyên hậu Fukushima, việc phát triển điện hạt nhân có thể bị trì hoãn nhưng không thể bị đảo ngược. Các quốc gia mới thực sự có ý định phát triển điện hạt nhân vẫn coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng đáng tin cậy và có thể chấp nhận được.

Ông Alexander Bychkov phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo ông Alexander Bychkov, các nhân tố then chốt cho sự thành công của chương trình điện hạt nhân bao gồm sự  tham gia các các bên liên quan trong cơ sở hạ tầng, ban hành luật pháp quốc gia trong đó định rõ vai trò, trách nhiệm và mở rộng thẩm quyền cho chủ sở hữu – tổ chức vận hành tương lai cũng như cơ quan pháp quy. “Để làm cho xã hội tin tưởng điện hạt nhân là an toàn, an ninh và kinh tế, chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức khác phải phối hợp với nhau trong công việc quy hoạch. Cơ quan thực thi chương trình điện hạt nhân (NEPIO) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối sự phát triển điện hạt nhân ở mỗi quốc gia” ông chia sẻ thêm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng đã trình bày và đánh giá về hiện trạng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia của Việt Nam, cách tiếp cận toàn diện bao trùm 19 vấn đề điện hạt nhân cũng như kinh nghiệm của Liên bang Nga, Nhật Bản,… trong phát triển điện hạt nhân, nhất là sau sự cố Fukushima. Cách tiếp cận có 3 giai đoạn mà kết thúc ở các cột mốc 1,2 và 3 nhằm sẵn sàng chạy thử và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tiếp đó, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận đến những thách thức và các giải pháp đối với chương trình điện hạt nhân mới, các yêu cầu và hướng dẫn quốc tế về thiết lập khuôn khổ an toàn…

Chủ trương thành lập nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam đã được chính thức hóa tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2009. Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Theo lộ trình dự kiến, nhà máy điệ hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020.

Tin Ngũ Hiệp, Ảnh Thu Hiền.