
|
|||
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác KH&CN giữa hai nước, từ ngày 17-23/6/2012, đoàn cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Nguyễn Quân làm trưởng đoàn và đại diện một số đơn vị chức năng trong Bộ đã có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ. Cùng đi với đoàn còn có đại diện KH&CN tại Washington, D.C. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã tham dự và phát biểu tại buổi tọa đàm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về hợp tác KH&CN với chủ đề “Đổi mới KH&CN: Cơ hội hợp tác cho Việt Nam và Hoa Kỳ”. Đây là dịp để hai bên chia sẻ những chính sách đổi mới KH&CN của mỗi nước và những điển hình hay, từ đó rút ra những kinh nghiệm và bài học trong phát triển KH&CN của mỗi quốc gia. Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nêu một số thành tựu của KH&CN Việt Nam thời gian qua. Chính phủ Việt Nam đã đầu tư cho KH&CN với mức 2% tổng chi ngân sách Quốc gia và đang huy động đầu tư của xã hội ngày càng tăng, phấn đấu đến năm 2020 tổng đầu tư cho KH&CN Việt Nam đạt mức 2% GDP quốc gia. Cùng với sự đầu tư đó, nguồn nhân lực KH&CN cũng tăng về số lượng, trong đócó hàng trăm cán bộ khoa học trình độ cao đã được đào tạo tại Hoa Kỳ thông qua Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và Đề án 322 của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ khoa học hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Tình hình đó đặt ra cho KH&CN Việt Nam những nhiệm vụ mới rất quan trọng. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020 đã chỉ rõ: đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu có tính cạnh tranh caoViệt Nam có lợi thế như toán học, vật lý, các nghiên cứu cơ bản có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Thứ hai, tập trung hơn vào việc phát triển tiềm lực KH&CN trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu tiên tiến; cơ khí và tự động hóa; năng lượng, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp và y tế. Ngoài những lĩnh vực nêu trên, Việt Nam cũng tập trung phát triển một số lĩnh vực phục vụ những mục tiêu quan trọng như an ninh, quốc phòng, công nghệ không gian; công nghệ biển; công nghệ môi trường; Thứ ba, tập trung phát triển các dịch vụ khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đảm bảo quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực nhãn hiệu và sáng chế; Thứ tư, xây dựng các chương trình quốc gia về KH&CN, hướng tới các sản phẩm quốc gia ứng dụng công nghệ cao có tính cạnh tranh cao và đổi mới mạnh mẽ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, hình thành nhiều doanh nghiệp KH&CN và các trung tâm xuất sắc, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp mạnh; Cuối cùng là đổi mới mạnh mẽ và toàn diện cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN, thành lập và đưa vào hoạt động các Quỹ tài trợ cho KH&CN, tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm, có chính sách ưu đãi và trọng dụng cán bộ khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Cơ hội hợp tác KH&CN Mục tiêu chính của đoàn công tác lần này là làm việc với Bộ Ngoại giao và một số đối tác có liên quan đến việc ký Hiệp ước sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đoàn đã đến thăm và làm việc với Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA), Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH), Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST), Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR), hãng Westinghouse,… Đoàn công tác của Bộ KH&CN và một số cơ quan đối tác Hoa Kỳ chụp hình lưu niệm. Ảnh: Vụ HTQT Tại buổi làm việc với hãng Westinghouse, đoàn đã được nghe đại diện Westinghouse giới thiệu về công nghệ nhà máy AP1000. Theo đó, công nghệ hạt nhân của Westinghouse giúp tạo ra nguồn điện tin cậy, sạch và an toàn trong tương lai. AP1000 là thế hệ 3+ sản xuất được 1.000 Megawat điện với ưu thế an toàn nhất so với các nhà máy điện hiện tại. Với hệ thống an toàn thụ động AP1000 có thể chịu được những thảm họa kép xảy ra như ở Fukusima, Nhật Bản. Hiện Công ty Toshiba của Nhật đã mua lại Westinghouse và chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng liên quan đến công nghệ hạt nhân. Nhân dịp này, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Westinghouse đã cũng đã ký kết hợp tác. Làm việc với Viện Sức khỏe Quốc gia (NIH) - một viện nghiên cứu quốc gia, hoạt động như một Quỹ khoa học chuyên tài trợ cho các đề tài liên quan đến sức khỏe, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Tiến sỹ Roger Glass, Phó Viện trưởng NIH kiêm Giám đốc Trung tâm Quốc tế Fogarty đã trao đổi về các phương thức hợp tác giữa Bộ KH&CN và NIH thông qua các dự án nghiên cứu quốc tế của NIH. NIH có 27 Viện Nghiên cứu và Trung tâm. Ngân sách hàng năm đầu tư cho nghiên cứu là 30,9 tỷ đôla, dành cho các dự án nghiên cứu về ngành y. NIH có Trung tâm quốc tế Fogarty hỗ trợ các chương trình nghiên cứu sức khỏe toàn cầu được tiến hành bởi các nhà khoa học Hoa Kỳ và các nhà khoa học ở nước ngoài. Tại cuộc họp giữa Bộ KH&CN với ông Margolis, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về Khoa học, Y tế và Vũ trụ, hai bên đã trao đổi về các lĩnh vực khoa học mà phía Việt Nam và Hoa Kỳ có thể hợp tác. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đã đề nghị ông Margolis đề xuất với Chính phủ Hoa Kỳ về việc gia hạn thời gian hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF để tiếp tục đào tạo cán bộ KH&CN cho Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Quân với Giám đốc Cơ quan quản lý vũ trụ và không gian Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) Charles Frank Bolden đã có cuộc gặp xã giao. Tại đây, hai bên đã bàn về những hợp tác NASA đang tiến hành như dự án GLOBE và SERVIR phục vụ giáo dục bảo vệ môi trường, dự báo thời tiết những vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Được biết, NASA vừa là cơ quan quản lý và cũng là cơ quan thực hiện các dự án lớn của Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ vũ trụ và không gian. Cơ quan này hoạt động như môt quỹ khoa học và cấp kinh phí nghiên cứu cho các dự án nghiên cứu không gian của Hoa Kỳ. Tháng 9/2011, NASA đã ký Tuyên bố ý định hợp tác với Viện KH&CN Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đã làm việc với ông Eliot Kang Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về vấn đề hạt nhân. Được biết, sau khoảng 1 năm nghiên cứu nhằm tìm ra chính sách chung về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, Hoa Kỳ đã đề nghị bắt đầu vòng đàm phán thứ nhất trong các ngày 11-12/01/2012. Kết thúc vòng đàm phán, nhiều nội dung đã được hai bên thống nhất, kể cả việc phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (AP) cho Hiệp định Thanh sát. Tuy nhiên vẫn còn hai vấn đề để mở là: Làm giàu nhiên liệu và tái chế nhiên liệu. Tại buổi làm việc với Tiến sỹ Subra Suresh, Giám đốc Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), hai bên đã trao đổi về các phương thức hợp tác như trao đổi cán bộ để đào tạo, giúp Việt Nam tìm hiểu cách thức tổ chức quản lý quỹ và quy trình xét duyệt dự án. Đây là Quỹ khoa học thuần túy không có Viện Nghiên cứu. Quỹ này đã tài trợ những dự án hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm qua... Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Quân, chương trình làm việc giữa Bộ KH&CN với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ 17- 23/6/2012 đã có những kết quả rất hữu ích, hứa hẹn sẽ tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực KH&CN, an toàn hạt nhân, nghiên cứu biển và vũ trụ cũng như đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho Việt Nam,… Phương Nga - Nguyễn Hạnh |