Bản in
Đưa nền KH&CN Việt Nam hội nhập vào nền KH&CN thế giới
Hợp tác quốc tế là một bộ phận quan trọng trong các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), đóng vai trò tích cực vào việc khuyến khích phát triển KH&CN và đóng góp của KH&CN đối với tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế nước ta đã hội nhập một bước quan trọng với các nước trong khu vực cũng như với các nước trên thế giới. Bối cảnh đó đòi hỏi công tác HTQT về KH&CN cần có những định hướng, đổi mới về quản lý và tổ chức thực hiện.

Cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, công tác HTQT về KH&CN đã quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời cụ thể hóa vào công tác cụ thể nhằm góp phần nâng cao trình độ công nghệ quốc gia, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, nâng cao tiềm lực KH&CN cho các cơ quan nghiên cứu và triển khai, nâng cao khả năng công nghệ cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, khoa học, công nghệ và xã hội từ Trung ương đến địa phương, từng bước đưa nền KH&CN nước ta hội nhập vào nền KH&CN thế giới.

Luật KH&CN ra đời năm 2000, đến 27/11/2011, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã thông qua Nghị quyết 07 về Hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định chủ trương “Phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”. Mục tiêu chủ yếu là hội nhập để mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ và kiến thức quản lý để đẩy mạnh CNH, thực hiện việc mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực, củng cố và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

HNQT về KH&CN đã và đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chính sách đối ngoại và chính sách phát triển KH&CN của mỗi nước và là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010 cũng chỉ rõ rằng, trình độ KH&CN của nước ta hiện nay nhìn chung còn thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực, năng lực sáng tạo công nghệ mới còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng  trong Chiến lược phát triển KH&CN là phải đẩy mạnh HNQT về KH&CN, thông qua đó để tăng cường hơn hiệu quả HTQT về KH&CN.

Việt Nam và Đan Mạch ký hiệp định tiếp tục chương trình hợp tác nghiên cứu vào ngày 09/3/2011

Như vậy, đẩy mạnh HNQT về KH&CN sẽ rút ngắn khoảng cách về trình độ KH&CN của nước ta với khu vực và thế giới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức Việt Nam.

Phát triển và mở rộng hợp tác về KH&CN

Thông tin từ Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ KH&CN cho biết, đến nay, Bộ KH&CN đã ký kết các văn bản pháp lý về hợp tác KH&CN với khoảng 80 nước, vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là thành viên của gần 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN. Từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 540 thỏa thuận, hợp đồng HTQT về KH&CN được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu triển khai các cấp. Có hơn 400 nhiệm vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức KH&CN Việt Nam với các tổ chức KH&CN của các nước đã và đang được thực hiện.

Những năm gần đây, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp tốt với các bộ ngành liên quan tổ chức đàm phán, xây dựng nội dung và hoàn tất việc ký kết thêm nhiều Hiệp định hợp tác về KH&CN và các thỏa thuận quan trọng với các nước như: Đan Mạch, Pháp, Chi lê, Panama, Thuỵ Điển, Nga, New Zealand, Braxin, Lào, Hoa Kỳ, Urugoay… Bộ KH&CN cũng đang cùng đối tác Australia hoàn tất thủ tục cho việc ký kết hiệp định hợp tác về KH&CN trên cơ sở nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác ký giữa hai Chính phủ từ năm 1992.

Tiến sĩ Mai Hà – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ KH&CN khẳng định; “Việc ký kết các hiệp định hợp tác cấp Chính phủ giữa Việt Nam và các đối tác tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác giữa các đối tác của Việt Nam với các bên có liên quan. Đây cũng là minh chứng quan trọng cho việc phát triển về chiều sâu của việc hợp tác về KH&CN”.

Giai đoạn 2006 - 2010, Bộ KH&CN đã tổ chức thành công đón các đoàn cấp cao của các nước về KH&CN vào làm việc tại Việt Nam và tham gia bố trí cho các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam đi đào tạo, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở các nước.

Trong 5 năm qua, Bộ KH&CN đã phối hợp, thực hiện gần 200 nhiệm vụ HTQT về KH&CN theo Nghị định thư (NĐT). Theo đó, nhiều giải pháp KH&CN mang tính đột phá từ những cường quốc KH&CN như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Úc, v.v... đã được chuyển giao về Việt Nam. Nhiều tri thức mới về KH&CN đã được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Việc triển khai các NĐT cũng đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cở sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu - triển khai trong nước. Đồng thời, việc triển khai các nhiệm vụ HTQT theo NĐT đã góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN.

Cho tới nay, Việt Nam đã xây dựng và mở rộng nhiệm vụ HTQT về KH&CN theo NĐT với 20 nước trên thế giới với sự tham gia của hơn 20 Bộ, ngành và địa phương trong cả nước, hợp tác đi vào chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đây là tiền đề quan trọng và là môi trường thuận lợi thúc đẩy quá trình HNQT, đặc biệt là HNQT về KH&CN nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Việt Nam đã tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng KH&CN ASEAN chính thức lần thứ 14 và Hội nghị Ủy ban KH&CN ASEAN lần thứ 62 (từ ngày 21 đến 26/11 năm 2011).

Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn. Cùng với đó, Bộ KH&CN tổ chức có hiệu quả và thường xuyên liên hệ với các đại diện KH&CN tại 18 địa bàn ở 13 quốc gia; đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các Đại sứ quán Việt Nam ở những nước chưa có đại diện về KH&CN. Các đại diện KH&CN ở nước ngoài đã tích cực và chủ động hơn trong việc thu thập, tổng hợp và đánh giá tình hình KH&CN của các nước sở tại, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý Nhà nước về KH&CN.

Thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay, Bộ KH&CN đang tích cực cụ thể hóa Đề án trên bằng việc xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu và phát triển hội nhập quốc tế về KH&CN (Chương trình KX.06) với mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành nước mạnh trong một số lĩnh vực KH&CN vào năm 2020 phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, rút ngắn khoảng cách về trình độ KH&CN của nước ta với khu vực và thế giới”.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương với mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở trình độ quốc tế; tăng cường nguồn lực thông tin KH&CN cho các nhà khoa học Việt Nam; chương trình tìm kiếm bí quyết, giải mã và làm chủ công nghệ của nước ngoài nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam và qua đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam…

Bộ KH&CN đang đẩy mạnh hợp tác với Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản về chương trình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình nhằm phục vụ cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. Một số nước tiên tiến đang đẩy mạnh hợp tác KH&CN với Việt Nam và chủ động đề xuất thành lập các phòng thí nghiệm hỗn hợp và các trung tâm khoa học tại Việt Nam hoặc các nước.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong thời gian sắp tới, với những nội dung, nhiệm vụ, chương trình mà Bộ KH&CN đang xây dựng thì hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN đang tích cực được khẩn trương triển khai, trong đó đẩy mạnh việc phối hợp công tác chặt chẽ với các Đại sứ và mạng lưới các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Phương Nga