|
|||||
Mỹ đã sử dụng tới gần 1/3 số lượng các nhà nghiên cứu, chiếm 40% chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), xuất bản 35% số bài báo khoa học và công nghệ (KH&CN) của thế giới. Không chỉ nước Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang dựa vào toàn cầu hoá để phát triển.
Ở Trung Quốc, chi tiêu cho R&D tăng từ 0,6% GDP năm 1995 lên 1,44% năm 2005, mục tiêu cho năm 2020 là 2,5% GDP. Các mạng lưới sản xuất toàn cầu kết nối các công ty Trung Quốc với các khách hàng, các nhà đầu tư, các nhà cung cấp công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và các liên minh theo hợp đồng. Mạng lưới này còn bao gồm các trung tâm nghiên cứu và phát triển đặt tại Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Trung Quốc, số cơ quan R&D nước ngoài tăng từ 0 lên tới hơn 700 trong một thập kỷ, 885 dự án nghiên cứu và phát triển được tiến hành ở Châu Á trong khoảng thời gian từ năm 2002-2004, 723 dự án (hơn 80%) được tiến hành ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc thu lợi từ sự phát triển các mạng lưới tri thức không chính thức (Informal Knowledge Networks), sinh viên và các nhà khoa học trở về để thành lập các phòng thí nghiệm mới ở Bắc Kinh, các doanh nghiệp công nghệ và các nhà tư bản mạo hiểm từ Thung lũng Silicon đến Thượng Hải. Xu hướng thiết lập các hình thức liên kết hợp tác quốc tế về KH&CN đang phổ biến với sự tham gia của nhiều công ty, nhiều quốc gia. Sự hợp tác nói trên thường được đánh giá qua các chỉ số: Mức tăng trưởng các luồng vào và ra của đầu tư trực tiếp nước ngoài; Số lượng phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển do nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh; Việc hình thành trên quy mô quốc tế các liên minh chiến lược về công nghệ; Việc trao đổi hoặc lưu chuyển nhiều nhà nghiên cứu cũng như việc tiến hành các công trình nghiên cứu chung có sự tham gia của tác giả quốc tế về KH&CN... Hội nhập để đón đầu KH&CN Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, hội nhập quốc tế về KH&CN là động lực thúc đẩy các hoạt động KH&CN trong nước. Đây là cơ hội để chúng ta khai thác thành tựu KH&CN thế giới, thu hút nguồn lực và công nghệ nước ngoài để nâng cao và phát triển trình độ KH&CN trong nước, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và từng bước hội nhập nền kinh tế tri thức của thế giới.
Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với hơn 70 nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Một mặt, chúng ta đã duy trì các mối quan hệ hợp tác truyền thống trước đây (với Nga, các nước Đông Âu…), mặt khác đã thiết lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác mới (với Hoa Kỳ, một số nước Nam Mỹ, Châu Phi…). Hợp tác quốc tế về KH&CN từ chỗ thụ động, dựa vào viện trợ không hoàn lại, chuyển dần sang thế chủ động, tích cực, bình đẳng và cùng có lợi. Các vấn đề hợp tác đã xuất phát từ các yêu cầu thực tiễn, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai hơn 200 dự án hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, với sự tham gia của hơn 20 bộ/ngành, địa phương. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng đã dành hàng chục tỉ đồng hỗ trợ kinh phí đối ứng cho các tổ chức KH&CN trong nước tham gia các dự án nêu trên. Với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức KH-CN các nguồn lực và kinh nghiệm tổ chức quản lý tiên tiến của nước ngoài để nhanh chóng tăng cường năng lực KH & CN quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng KH&CN, nước ta có thể đi thẳng vào những công nghệ hiện đại để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước. Nền kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để tăng đầu tư cho phát triển KH&CN, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ và ứng dụng thành tựu KH&CN trong nền kinh tế. Thách thức lớn nhất đối với sự phát triển KH&CN nước ta hiện nay là phải nhanh chóng nâng cao lực năng KH&CN trong điều kiện nước ta còn nghèo, vốn đầu tư hạn hẹp, trình độ phát triển kinh tế và KH&CN còn có khoảng cách khá xa so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Xu thế phát triển của kinh tế tri thức, lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá lao động rẻ dần nhường chỗ cho lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo. Nước ta nếu không sớm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng lao động thì sẽ không có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư và các công nghệ tiên tiến từ bên ngoài. Minh Tâm
|