Bản in
Hợp tác khoa học - công nghệ Việt Nam - Israel:Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp
Israel là nước ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, biến những nơi khô cằn thành các nông trang xanh. Tại sao ngành nông nghiệp Israel lại phát triển được trong môi trường bán sa mạc khắc nghiệt đến như vậy?

Nhìn hệ thống ống dẫn nước nhỏ đưa từng giọt nước đã pha trộn chất dinh dưỡng chảy tới tận gốc cây theo lập trình đã cài đặt, từng luống rau quả đều được che phủ bởi các mái che nhà kính để hạn chế bốc hơi và ngăn ngừa sâu bệnh, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao ngành nông nghiệp Israel lại phát triển được trong môi trường bán sa mạc khắc nghiệt đến như vậy?

Đặc trưng nông nghiệp Israel

Khó khăn về địa lý, khí hậu khô hạn đã hạn chế nhiều đến sự phát triển của Israel. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn phát triển và trở thành nước công nghiệp với khoảng 3% dân số làm nông nghiệp. So với Việt Nam, tài nguyên của Israel hầu như không có gì, đất đai khô cằn, 60% sa mạc, lượng mưa phân bố không đều và mưa ngắn từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Khu vực phía Bắc lượng mưa chưa tới 1000mm/năm, phía Nam chỉ có 30mm/năm (trong khi Việt Nam là 2000mm/năm).

Israel đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về công nghệ mới để vượt qua những khó khăn về tài nguyên thiên nhiên và sa mạc hoá, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất nông nghiệp. Đặc trưng nền nông nghiệp của Israel là một hệ thống sản xuất chuyên canh bắt nguồn từ nhu cầu thực tế là khắc phục sự khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nước và đất trồng trọt.

Phát triển nông nghiệp của Israel được giới thiệu trong hội thảo trực tuyến.

Sự tăng trưởng liên tục trong sản xuất nông nghiệp của Israel là nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia khuyến nông, nông dân với các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Mô hình nghiên cứu và phát triển (R&D) cho phép trao đổi thông tin hai chiều giữa các nhà nghiên cứu và nông trang viên. Những vấn đề phát sinh trên cánh đồng được nhà nghiên cứu tìm hiểu trực tiếp và đưa ra các giải pháp cụ thể. Kết quả của các giải pháp được kiểm nghiệm ngay trên cánh đồng. Nhờ mô hình này, Israel đã tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại tại một quốc gia mà hơn một nửa diện tích là sa mạc.

Ý thức tiết kiệm nước trở thành tôn chỉ hàng đầu ở đất nước này. Israel không ngừng phát triển các công nghệ mới liên quan đến ngành nước. Công ty Nước quốc gia Mekorot tại Israel đã cải tạo 68% nguồn nước sông để tái sử dụng cho nông nghiệp, xử lý 32% nguồn nước thải, tinh lọc khoảng 30% lượng nước thải...

Nhà máy tái tạo và xử lý nước Shafdan của nước này là một trong những nhà máy tái chế nước lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm xử lý nước thải cho gần 2,3 triệu dân. Israel phải tái chế nguồn nước thải để cấp cho sinh hoạt và nông nghiệp tới 4-5 vòng quay.

Ví dụ, nước cấp cho nuôi cá giống, thải ra tiếp tục cho nuôi cá thịt, rồi đến nuôi gia súc, cuối cùng tưới cho cây trồng. Công nghệ tưới nhỏ giọt bao gồm hệ thống tưới phun cá nhân, hệ thống tưới tiên tiến được vi tính hoá, thiết bị cảm biến độ ẩm được chôn dưới đất cung cấp thông tin về độ ẩm của đất đã giúp Israel sản xuất dư thừa lương thực so với nhu cầu trong nước.

Hội thảo trực tuyến về công nghệ xử lý nước của Israel.


Công nghệ nông nghiệp Israel tại Việt Nam

Được công nhận là thung lũng Silicon của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Israel chính là điểm đến để các nước tìm kiếm những công nghệ hiện đại trong việc ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Trong nhiều năm qua Israel luôn chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia không ngừng phát triển, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực vào đầu năm 2005. Từ đó đến nay, hàng năm kim ngạch thương mại nói chung giữa hai quốc gia tăng gấp đôi so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thiết bị công nghệ nước đóng góp tỉ lệ cao nhất.

Các nhà khoa học của Việt Nam đã thăm quan thực địa tại các cơ sở nông nghiệp để tìm hiểu công nghệ mới nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt... của Israel. Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công một số công nghệ trong nông nghiệp của Israel như công nghệ tưới tiêu trong sản xuất mía đường, công nghệ nhà kính được áp dụng ở Hà Nội và Hải Phòng...

Mới đây, Bộ KH&CN phối hợp với Israel đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về Công nghệ xử lý nước thải (WATEC 2009 ISRAEL) tại ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến ghi nhận: "Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Israel đã được thực hiện trên nhiều mặt như: Nông nghiệp, khoa học và công nghệ, thương mại và giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác tối đa, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Việc giới thiệu công nghệ tiên tiến của Israel với các doanh nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề mở rộng cơ hội hợp tác giữa hai nước sau này".

Công nghệ nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp đã trở thành một trong những nền tảng của hợp tác song phương giữa Việt Nam và Israel. Công nghệ cao trong nông nghiệp của Israel có thể cung cấp cho Việt Nam những giải pháp vượt qua thách thức về phát triển bền vững, thay đổi về chất trong xuất khẩu thông qua cải thiện chất lượng và sản lượng.

 
Thu Uyên