|
|||
Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, Việt Nam đã có chương trình dài hạn về phát triển điện hạt nhân đến năm 2030. Để thực hiện chương trình điện hạt nhân, hiện nay Việt Nam đang tập trung vào nhiều vấn đề rất quan trọng như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng pháp lý và an toàn cho phát triển điện hạt nhân. Ông Ostendorff bày tỏ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ông Ostendorff cho rằng quá trình hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước, cho hai đơn vị mà còn mang lại lợi ích cho những cơ quan hoạch định chính sách và pháp lý quốc tế khác liên quan đến năng lượng hạt nhân. Phía Hoa Kỳ cũng mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Cục an toàn bức xạ hạt nhân về các quy định pháp lý, chính sách phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
Đại diện US. NRC và đại diện Bộ KH&CN chụp ảnh lưu niệm Ông Ostendorff cũng chia sẻ vấn đề liên quan đến vai trò của các cơ quan hoạch định chính sách và các quy đinh về an toàn hạt nhân làm sao đảm bảo vai trò độc lập của họ so với ngành sản xuất năng lượng hạt nhân. Sau sự cố Fukushima vai trò độc lập của các cơ quan ban hành chính sách và thực thi các chính sách an toàn năng lượng hạt nhân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. "Vấn đề nguồn nhân lực là một thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần phải làm sao có được đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm, có tri thức và chuyên môn về lĩnh vực năng lượng hạt nhân cũng như là kinh nghiệm trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về an toàn hạt nhân", ông Ostendorff nhận định.
Phương Nga |