|
|||
KH&CN có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội Từ ngày 20 - 25/12/2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tổ chức đoàn công tác tại Malaysia nhằm học tập kinh nghiệm truyền thông KH&CN, cũng như công tác tổ chức hoạt động KH&CN của nước bạn. Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (MOSTI) và 2 đơn vị trực thuộc Bộ là Trung tâm Khoa học quốc gia, Trung tâm Vũ trụ. TS.Rajayah Devudu, đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới cho biết, giai đoạn 2001 – 2010, Malaysia đã thực hiện tốt các chính sách KH&CN quốc gia đã đề ra. Trong đó, chú trọng vào tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học; đẩy nhanh thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nâng cao năng lực trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, các ngành sản xuất kỹ thuật cao, vật liệu cao cấp, công nghệ vũ trụ và công nghệ nano. Cơ quan sáng chế của Malaysia đã được thành lập từ năm 2003 và hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động KH&CN. MOSTI đã thực hiện nhiều chương trình cộng đồng như các dự án trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình ứng dụng công nghệ tại cộng đồng đặc biệt tại các vùng nông thôn. Lĩnh vực công nghệ thông tin (ICT) đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế Malaysia thời gian qua. Năm 2009, ngành ICT đã đóng góp 9,8% GDP, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử năm 2010 đạt 36,3 tỉ USD. Malaysia đã xếp thứ 52 trong tổng số 158 nước về chỉ số công nghệ thông tin. Malaysia đã và đang dành rất nhiều sự quan tâm đến việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và quảng bá các kết quả này tới đông đảo các đối tượng trong xã hội. Ngoài một đơn vị chuyên trách về lĩnh vực truyền thông và PR (Public Relations - quan hệ công chúng), tại hầu hết các đơn vị trực thuộc MOSTI đều có một bộ phận làm công tác truyền thông. Hàng tuần, hàng tháng đều có chương trình truyền hình thông tin về những thành tựu nghiên cứu khoa học và các chương trình dành cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi ở nông thôn nhằm tạo sự đam mê, yêu thích khoa học ngay từ nhỏ của trẻ em. Ngoài ra, MOSTI cũng giao cho Trung tâm khoa học quốc gia thực hiện nhiều chương trình triển lãm tại các vùng nông thôn để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu KH&CN theo chủ đề hoặc thời gian. Truyền thông KH&CN hướng tới cộng đồng Đại diện Trung tâm khoa học quốc gia, bà Phyllis Lam Li Wan cho biết, tổng đầu tư ban đầu cho dự án xây dựng Trung tâm là 100 triệu Ringit Malaysia, tương đương gần 30 triệu USD, 90% kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động của Trung tâm đều do Nhà nước cấp, doanh nghiệp và các khu vực khác chỉ chiếm 10%. Trung tâm được xây dựng với mục tiêu trở thành một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục khoa học, nâng cao nhận thức cũng như đam mê của công chúng với khoa học.
Malaysia còn có Trung tâm Vũ trụ để mọi lứa tuổi đều có thể tham qua và tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Hạnh Trung tâm hướng đến nhiều đối tượng trong xã hội và cũng có những khu riêng biệt cho các đối tượng này như khu vui chơi cho trẻ em dưới 5 tuổi, khu vui chơi dành cho học sinh các cấp, khu nghiên cứu thực nghiệm cho sinh viên và học sinh, khu dành cho giáo viên, không gian để doanh nghiệp triển lãm giới thiệu sản phẩm khoa học,… Mỗi năm, Trung tâm thu hút hàng triệu người tham gia. Bên cạnh đó, Malaysia còn có Trung tâm Vũ trụ đã được thành lập 25 năm, kinh phí hoạt động và duy trì đều do Chính phủ hỗ trợ. Ngoài việc trưng bày các nghiên cứu liên quan đến ngành công nghệ vũ trụ dành cho các sinh viên các trường đại học, Trung tâm còn dành có các mô hình trưng bày tại Trung tâm dưới hình thức rất sinh động, thú vị, dễ tiếp thu nhằm tạo hứng thú cho các em nhỏ ở lứa tuổi thiếu nhi như: xem ảnh qua kính thiên văn, thông tin về khoa học vũ trụ mang tính trực quan, sinh động; lịch sử về ngành vũ trụ của Malaysia qua hình ảnh, trưng bày thiết bị phóng vệ tinh,… Trung tâm khoa học quốc gia và Trung tâm Vũ trụ đều đã phối hợp rất chặt chẽ với các trường đại học và có các phòng thí nghiệm để học sinh, sinh viên được thực nghiệm nhằm trang bị kiến thức thực tế, cụ thể hóa các chương trình học ở trường cho học sinh, sinh viên. Trung tâm vũ trụ ngoài việc trưng bày còn dành không gian để sinh viên nghiên cứu. Sinh viên có thể đến thực hành về kính thiên văn, phân tích dữ liệu. Các thông tin về khoa học vũ trụ đều mang tính trực quan, sinh động. Học sinh, sinh viên cũng có thể tìm hiểu thông tin, khám phá bí ẩn khoa học bằng việc xem ảnh qua kính thiên văn, lịch sử về ngành vũ trụ của Malaysia qua hình ảnh, các thiết bị phóng vệ tinh,… Những chia sẻ thông tin bổ ích trong việc tổ chức, xây dựng mô hình, cách thức truyền thông KH&CN cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học không chỉ làm công tác chuyên môn về KH&CN mà còn tham gia vào công tác truyền thông KH&CN thực sự là những kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho Việt Nam trong việc kết nối giữa các nhà khoa học với giới truyền thông nhằm tạo hiệu quả tối đa trong việc chuyển tải thông tin, các thành tựu KH&CN đến gần hơn với công chúng. Nguyễn Hạnh - Phương Hoàn |